|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phong cách lãnh đạo đạo đức là gì? Thang đo gương mẫu trong phong cách lãnh đạo đạo đức

09:25 | 30/06/2020
Chia sẻ
Phong cách lãnh đạo đạo đức là một người giàu lương tâm và là nhà quản trị có đạo đức.
Sự gương mẫu trong phong cách lãnh đạo đạo đức là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: sesviluniversity)

Phong cách lãnh đạo đạo đức

Khái niệm

Phong cách lãnh đạo đạo đức hay lãnh đạo mang phong cách đạo đức được thể hiện thông qua hai khía cạnh: là một người giàu lương tâm và là nhà quản trị có đạo đức. 

Điều đó có nghĩa là, những cá nhân mang phong cách lãnh đạo đạo đức vừa mang trong mình những đặc tính nhất định (ví dụ như: trung thực, đáng tin cậy và chính trực);

Điều này dẫn đến những đặc trưng về hành động (như: làm những điều đúng đắn, quan tâm đến mọi người, có thái độ hướng tới những phẩm chất đạo đức tốt đẹp) dẫn đến những quyết định dựa trên nền tảng những chuẩn mực và có lối sống đạo đức. 

Nhà quản trị có đạo đức là người luôn nỗ lực tác động đến hành vi của nhân viên, nỗ lực nâng cao chuẩn mực đạo đức của tổ chức thông qua việc truyền tải những qui tắc đến người lao động qua giao tiếp, thuyết phục và dẫn dắt nhân viên đạt đến những chuẩn mực đạo đức bằng các hệ thống khen thưởng và là tấm gương đạo đức cho nhân viên noi theo (Treviño và cộng sự, 2000). 

Lãnh đạo gương mẫu thường là những người có đạo đức, là người luôn giữ hành động phù hợp với các giá trị đã nêu và luôn đưa ra các quyết định đúng đắn (Lord & Brown, 2004). 

Sự gương mẫu trong phong cách lãnh đạo đạo đức là gì? - Ảnh 2.

Thang đo gương mẫu trong phong cách lãnh đạo đạo đức

Để hiểu rõ hơn về tính gương mẫu và đạo đức, Weaver và cộng sự (2005) đã phỏng vấn các cá nhân chịu ảnh hưởng bởi tấm gương đạo đức trong công việc. Theo đó, thang đo gương mẫu trong phong cách lãnh đạo đạo đức phản ánh 4 nhân tố:

(1) Hành vi cá nhân, bao gồm: sự chăm sóc, quan tâm và giàu lòng trắc ẩn; sự hỗ trợ và chịu trách nhiệm về những người khác; sự xem trọng và gìn giữ các mối quan hệ; sự làm việc chăm chỉ và sẵn sàng giúp đỡ khi nhân viên cần đến; sự coi trọng tinh thần tích cực; và sự chấp nhận thất bại của người khác;

(2) Công bằng với người khác, bao gồm: phân phối nguồn lực một cách công bằng; chào đón và quan tâm đến những thông tin, ý kiến của mọi người; thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng - không bao giờ hạ thấp người khác, ngay cả trong những lúc bất đồng, bất kể địa vị, cấp bậc chức vụ; đưa ra những lời giải thích về quyết định của mình;

(3) Có hành vi đạo đức và đạt những tiêu chuẩn đạo đức, bao gồm: sự trung thực; tạo sự tin cậy; chính trực; khiêm tốn; tuân thủ các chuẩn mực đạo đức; thể hiện đạo đức trong công việc và cả đời sống thường ngày;

(4) Truyền đạt những chuẩn mực đạo đức, bao gồm: quan điểm đạo đức nhất quán; truyền đạt những chuẩn mực đạo đức cao đẹp; buộc nhân viên tuân thủ các chuẩn mực đạo đức; đặt đạo đức lên trên lợi ích cá nhân và tổ chức; có tầm nhìn, khả năng xem xét, nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát, nhiều mặt;

(Tài liệu tham khảo: Sự gương mẫu của lãnh đạo trong khu vực hành chính công, Trần Mai Đông, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi