Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là gì? Quyền và nghĩa vụ
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
Khái niệm
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước được thành lập hoặc tổ chức lại để thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc bảo đảm bí mật và an ninh quốc gia.
Nguồn gốc và đặc điểm
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thuộc 11 ngành, lĩnh vực, địa bàn hoạt động trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; đồng thời được giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hoặc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Trước đây, nhóm doanh nghiệp này được gọi là doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh xuất hiện cùng thời kì với các doanh nghiệp đoàn thể. Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là một điểm rất đặc thù của Việt Nam.
Quyền và nghĩa vụ
Ngoài những quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích qui định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ sau:
1. Được cơ quan đại diện chủ sở hữu bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao.
2. Được sử dụng các nguồn lực được giao để hoạt động kinh doanh bổ sung ngoài kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi bảo đảm các điều kiện sau:
a) Cơ quan đại diện chủ sở hữu cho phép bằng văn bản;
b) Hoạt động kinh doanh bổ sung có mục đích để kết hợp hỗ trợ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc để phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản sau khi đã hoàn thành việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao;
c) Không làm giảm năng lực và ảnh hưởng tới việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao;
d) Hạch toán riêng phần hoạt động kinh doanh bổ sung theo qui định của pháp luật;
đ) Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo qui định của pháp luật.
3. Tiến hành quản lí nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các qui định hiện hành về quản lí, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân và qui định của pháp luật có liên quan.
4. Chấp hành quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở doanh nghiệp khác trong trường hợp cần thiết.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong trường hợp điều chuyển phần vốn hoặc tài sản phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp.
5. Trường hợp thay đổi hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh thì phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
6. Chấp hành các qui định pháp luật về hợp tác quốc tế và của cơ quan đại diện chủ sở hữu khi thực hiện các hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
(Tài liệu tham khảo: Phân nhóm doanh nghiệp, Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu Dân cử. Nghị định số 93/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Về tổ chức quản lí và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh)