Nợ công Mỹ đã cao kỷ lục, chiến lược đi vay của tân Bộ trưởng Tài chính càng khiến thị trường lo sợ
Chính quyền mới, chiến lược mới?
Tổng thống Mỹ Donald Trump có những kế hoạch táo bạo về cắt giảm thuế. Để tài trợ cho những kế hoạch đó, nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ phải tăng cường vay nợ.
Trong khi đó, nợ công của Mỹ đã leo lên mức kỷ lục 35.700 tỷ USD vào năm 2024. Viễn cảnh này đã khiến các nhà đầu tư trái phiếu lo ngại trong nhiều tháng qua. Nguồn cung tăng sẽ càng gây áp lực đẩy giá trái phiếu đi xuống, kéo lợi suất đi lên.
Ngoài quy mô nợ công, Phố Wall còn lo ngại về cách chính phủ vay mượn. Kể từ cuối năm 2023, Bộ Tài chính Mỹ đã phụ thuộc nhiều hơn vào các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn để tài trợ hoạt động của chính phủ. Nhiều chuyên gia nhận định cách tiếp cận đó đã giúp trấn tĩnh thị trường.
Bộ Tài chính vay nợ bằng cách phát hành nhiều loại trái phiếu kho bạc, chẳng hạn như Treasury bill, Treasury note và Treasury bond. Về cơ bản, ba loại này chỉ khác nhau về kỳ hạn. Treasury bill thường được gọi là tín phiếu kho bạc, có kỳ hạn dưới một năm. Treasury note có kỳ hạn từ 2 đến 10 năm và Treasury bond có kỳ hạn từ 20 đến 30 năm.
Một số thành viên chủ chốt của chính quyền ông Trump đã chỉ trích chiến lược của chính quyền tiền nhiệm, gọi đây là cách làm đầy rủi ro nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Trong số đó có ông Scott Bessent, tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), một số nhà phân tích lo ngại ông Bessent có thể sẽ đẩy mạnh phát hành nợ dài hạn. Điều này sẽ khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ dài hạn - chuẩn mực cho nhiều loại chi phí vay nợ trong nền kinh tế - đi lên.
Ông Blake Gwinn, trưởng bộ phận lãi suất Mỹ tại RBC Capital Markets, bình luận: “Nếu các quan chức thực sự cho rằng Bộ Tài chính nên tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn và giảm lượng tín phiếu thì điều đó có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến các loại lợi suất”.
Việc chính phủ Mỹ vay nợ bằng tín phiếu thường tạo ra ít ảnh hưởng lên lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Điều này rất quan trọng bởi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm sẽ tác động đến những chi phí như lãi suất vay thế chấp mua nhà.
Lợi hại của tín phiếu
Vào ngày 5/2, Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố kế hoạch vay nợ hàng quý mới. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao liệu cơ quan này có phát tín hiệu về việc tăng phát hành trái phiếu kho bạc trong nửa cuối năm hay không. Nếu không tăng lượng nợ dài hạn, Bộ Tài chính Mỹ sẽ buộc phải dựa dẫm thêm vào tín phiếu.
Chính phủ Mỹ coi tín phiếu là công cụ tài trợ chi phí thấp. Tuy nhiên, chúng có điểm yếu là khiến chi phí vay nợ thay đổi nhanh chóng. Và dù tín phiếu kho bạc thường được coi là an toàn như tiền mặt, nhu cầu của các nhà đầu tư cũng có thể có hạn.
Do đó, Bộ Tài chính Mỹ có truyền thống giảm tỷ trọng tín phiếu trong các giai đoạn nền kinh tế phát triển để tạo điều kiện tăng tỷ trọng trong những giai đoạn khó khăn.
Tín phiếu chiếm khoảng 22% tổng nợ của chính phủ Mỹ vào cuối tháng 12/2024, cao hơn đáng kể con số 15% hai năm trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình trong dài hạn.
Ngay cả khi không tính những giai đoạn suy thoái, tỷ trọng của tín phiếu kho bạc cũng thường biến đổi theo thời gian, lên trên 20% trong những năm 2000 và giảm xuống dưới 15% vào thập niên 2010.
Vào năm 2020, Ủy ban Cố vấn Vay nợ cho Bộ Tài chính Mỹ (TBAC) gợi ý rằng tỷ trọng lý tưởng cho tín phiếu kho bạc ngoài các giai đoạn khẩn cấp nên nằm trong khoảng 15% - 20%, nhưng lưu ý các con số này không phải là chắc chắn.
Điều đó đã tạo tiền đề cho các động thái của Bộ Tài chính Mỹ vào mùa thu năm 2023. Vào thời điểm đó, sự gia tăng đột ngột của lợi suất đang khiến các thị trường tài chính hoảng hốt. Giới phân tích nhận định diễn biến này xảy ra là do nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và các đợt bán đấu giá trái phiếu trung và dài hạn vào tháng 8 có quy mô lớn bất thường.
Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gia tăng quy mô các buổi đấu giá nhưng thấp hơn một chút so với dự kiến của Phố Wall. Các quan chức cũng báo hiệu rằng họ không coi 20% là giới hạn cố định với tín phiếu kho bạc.
Giá chứng khoán bật tăng vào ngày Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo trên. Đối với nhiều người, đây là phản ứng hợp lý tại thời điểm nhu cầu dành cho tín phiếu đang mạnh mẽ, trái ngược với trái phiếu kỳ hạn dài hơn.
Song, một số nhân vật thuộc phe bảo thủ đã chỉ trích Bộ Tài chính Mỹ, cáo buộc các quan chức cố kiềm chế chi phí vay dài hạn vì lý do chính trị.
Trong bài viết tháng 11/2024 trên tờ WSJ, ông Bessent lập luận Bộ Tài chính Mỹ “đã làm méo mó thị trường trái phiếu kho bạc với việc vay hơn 1.000 tỷ USD các khoản nợ ngắn hạn đắt đỏ so với chuẩn mực lịch sử”.
Ông nói thêm rằng việc sửa chữa sai lầm đó bằng cách vay nợ “chính thống hơn” cần được tiến hành một cách khéo léo và có thể sẽ khiến lãi suất dài hạn đi lên.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự kiến Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng cường quy mô đấu giá trái phiếu kho bạc vào tháng 11 năm nay, đưa tỷ trọng của tín phiếu về mức 20% vào cuối năm 2026.