|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bằng cách nào chính phủ Mỹ vay nợ thêm 22.000 tỷ USD mỗi năm?

17:08 | 20/10/2024
Chia sẻ
Để đảm bảo có đủ ngân sách chi tiêu và hoàn thành các nghĩa vụ nợ, chính phủ Mỹ không còn cách nào ngoài đi vay thêm nợ mỗi năm.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images). 

Vấn đề nợ nần của chính phủ Mỹ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến công chúng khó lòng phớt lờ. Hồi tháng 7, tổng nợ công của Mỹ đã vượt qua cột mốc 35.000 tỷ USD, tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm.

Nợ công phình to vì chính phủ phải vay tiền trên thị trường trái phiếu để tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách khổng lồ của mình. Thâm hụt ngân sách xảy ra khi tổng chi vượt tổng thu và tình huống này đã diễn ra 58 trong 63 năm qua.

Ngày 30/9 đánh dấu sự kết thúc của năm tài khoá 2024 và vào ngày 18/10, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một vài số liệu đáng lo. Thâm hụt ngân sách đã tăng 8,3% so với một năm trước lên 1.833 tỷ USD.

Đây là mức thâm hụt cao thứ ba trong lịch sử. Hai năm duy nhất Mỹ báo cáo thâm hụt lớn hơn là 2020 và 2021, khi chính phủ rót hàng nghìn tỷ USD để phòng chống đại dịch và kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề mà công chúng ít quan tâm hơn là cách chính phủ huy động tiền để tài trợ cho các khoản chi tiêu thâm hụt. Và đây là lúc họ nên nhớ đến Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan hiện do Bộ trưởng Janet Yellen dẫn dắt.

Vai trò của Bộ Tài chính Mỹ

Nhu cầu chi tiêu của chính phủ Mỹ rất lớn và trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đó thuộc về Bộ Tài chính. Đây là cơ quan chính phủ có sứ mệnh thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế và đảm bảo an ninh tài chính của nước Mỹ.

Bộ Tài chính được thành lập vào năm 1789 và “khai quốc công thần” Alexander Hamilton được Tổng thống George Washington bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của ông Hamilton là để chính phủ tiếp quản nợ quốc gia. Và kể từ đó, Bộ Tài chính đã trở thành cơ quan chịu trách nhiệm xử lý khối nợ công của Mỹ.

4 chức năng chính của Bộ Tài chính là thu thuế, in tiền, thanh toán các hoá đơn và phát hành nợ để tài trợ cho hoạt động của chính phủ liên bang. Trọng trách cuối cùng quả thực không phải nhiệm vụ dễ dàng.

 

Văn phòng Quản lý Nợ

Văn phòng Quản lý Nợ (ODM) thuộc Bộ Tài chính được thành lập để chỉ đạo quá trình phát hành nợ. Mục tiêu cơ bản của ODM là tài trợ cho chính phủ với chi phí thấp nhất cho người nộp thuế.

ODM đã xây dựng một hệ thống phức tạp và mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của Bộ Tài chính nhưng họ không thể làm mọi thứ một mình. Trên thực tế, ODM có hai đối tác quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra.

Đối tác đầu tiên là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York - cơ quản hỗ trợ tài khoá (fiscal agent) với nhiệm vụ điều hành các cuộc đấu giá trái phiếu kho bạc. Đối tác thứ hai là mạng lưới các nhà tạo lập thị trường (primary dealers) để đảm bảo luôn có người mua trái phiếu.

Hiện tại, Mỹ có 24 nhà tạo lập thị trường được phép giao dịch trực tiếp trái phiếu chính phủ. Đây là các ngân hàng hoặc công ty môi giới đã đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của chính phủ.

Yêu cầu đầu tiên là họ phải có đủ vốn. Một công ty môi giới không liên kết với ngân hàng phải có số vốn từ 50 triệu USD trở lại, trong khi một ngân hàng phải có ít nhất 1 tỷ USD vốn cấp 1.

Yêu cầu thứ hai là các nhà tạo lập thị trường phải chứng minh họ đang chiếm ít nhất 0,25% thị phần giao dịch trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, họ cũng phải cam kết đấu thầu theo quy định và giá thầu phải cạnh tranh so với mặt bằng chung.

Cuối cùng, các nhà tạo lập thị trường phải có bộ phận back-office phù hợp và là thành viên trong các tổ chức thanh toán bù trừ của Mỹ để xử lý giao dịch một cách trơn tru.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn nhận tư vấn từ một ủy ban cấp cao gồm các tổ chức mua và bán trái phiếu kho bạc lớn.

Hiện tại, ủy ban này có đại diện từ Citigroup, PIMCO, Rokos Capital, Vanguard, Fidelity, BNY Mellon, Deutsche Bank, BlackRock, Bridgewater Associates, Goldman Sachs, PNC Financial, NY Common Retirement Fund và Morgan Stanley.

Ủy ban nhóm họp hàng quý và vai trò của họ là cung cấp cho Bộ Tài chính những quan sát về sức mạnh tổng thể của nền kinh tế Mỹ cũng như đưa ra khuyến nghị về vấn đề quản lý nợ.

 

Trái phiếu kho bạc Mỹ

Bộ Tài chính vay nợ bằng cách phát hành nhiều loại trái phiếu kho bạc, chẳng hạn như Treasury bill, Treasury note và Treasury bond. Về cơ bản, ba loại này chỉ khác nhau về kỳ hạn.

Treasury bill thường được gọi là tín phiếu kho bạc, có kỳ hạn dưới một năm. Treasury note có kỳ hạn từ 2 đến 10 năm và Treasury bond có kỳ hạn từ 20 đến 30 năm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn phát hành trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS) và trái phiếu có lãi suất thả nổi (FRNs).

Việc phát hành trái phiếu diễn ra thường xuyên, trong đó tín phiếu kho bạc được đấu giá hàng tuần và tất cả các loại khác được đấu giá hàng tháng.

Bộ Tài chính vay nợ thêm 22.000 tỷ USD mỗi năm

Trong năm tài khoá 2023, Bộ Tài chính đã phát hành 22.000 tỷ USD nợ mới. Số tiền này được huy động thông qua 428 cuộc đấu giá - tương đương 8,2 cuộc đấu giá mỗi tuần và trung bình mỗi cuộc đấu giá mang về 51 tỷ USD.

Số liệu cho năm tài khoá 2024 vẫn chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phát hành 21.400 tỷ USD trái phiếu mới, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Tài chính không chỉ phát hành thêm trái phiếu để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách mà còn phải xoay xở để gia hạn nợ đến hạn, tài trợ cho việc mua lại nợ và cân đối ngân sách chính phủ.

 

Trong nửa đầu năm tài khoá 2023, Bộ Tài chính bị hạn chế khả năng phát hành nợ do vấn đề trần nợ. Trần nợ là giới hạn số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay. Mỗi khi khối nợ chạm mức trần, Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu để nâng trần nợ.

Gần đây, trần nợ đã được sử dụng như một công cụ chính trị mỗi khi Đảng Cộng hoà hoặc Đảng Dân chủ muốn gây áp lực buộc phe còn lại phải nhượng bộ những yêu cầu chính sách của mình.

Vào mùa xuân năm 2023, khi Quốc hội bế tắc về vấn đề trần nợ, Bộ Tài chính đã phải sử dụng những thủ thuật đặc biệt để ngăn chính phủ Mỹ vỡ nợ. Sau đó, thế bế tắc được tháo gỡ khi Quốc hội nhất trí đình chỉ trần nợ đến tháng 1/2025.

Các nhà kinh tế cảnh báo Bộ Tài chính nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với thách thức vào đầu năm sau khi vấn đề trần nợ nóng trở lại, đặc biệt là trong bối cảnh nước Mỹ (khi đó) vừa qua trải qua một mùa bầu cử căng thẳng và mâu thuẫn chính trị giữa hai đảng còn âm ỉ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Quốc hội sẽ khai mạc vào sáng 21/10, dự kiến bầu Chủ tịch nước
Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc trọng thể. Đồng thời, công tác nhân sự sẽ được thực hiện ngay trong ngày. Trong đó, có việc giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.