|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đà tăng của giá vàng là lời cảnh báo về khối nợ công khổng lồ của Mỹ?

10:25 | 02/10/2024
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán và môi trường lãi suất hiện tại của Mỹ rất giống với năm 1999. Điểm khác biệt là tình hình tài chính đáng lo của chính phủ Mỹ.

 

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, vàng đang giao dịch vượt trội hơn thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Điềm báo tích cực

Lịch sử thường không lặp lại nhưng quá khứ vẫn được xem là tiền lệ cho hiện tại và tương lai. Về mặt này, thập niên 1990 có thể là một điềm báo tích cực cho nước Mỹ trong thập kỷ hiện tại, tờ Barron’s viết.

Năm 1994, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - dưới sự lãnh đạo của ông Alan Greenspan - đã tăng mạnh lãi suất để dập tắt áp lực lạm phát vừa mới chớm nở. Nhờ đó, ngân hàng trung ương này đã tạo ra kỳ tích hạ cánh mềm cho nền kinh tế.

Khi lãi suất chuẩn đạt đỉnh (sau khi tăng gấp đôi từ 3% lên 6%), thị trường chứng khoán Mỹ đã cất cánh nhờ những hứa hẹn của internet, bất chấp sự nghi ngờ của ông Greenspan về tâm lý phấn khích quá độ của các nhà đầu tư.

Một điểm cần lưu ý là chính cơn sốt internet đó đã góp phần hình thành bong bóng dotcom nổi tiếng. Cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ cao và startup bị đầu cơ quá mức, cuối cùng lao dốc thảm hại.

Tua nhanh đến hiện tại, lãi suất ngắn hạn cũng tăng nhanh chóng từ mức gần 0 lên phạm vi 5,25 - 5,5% trong bối cảnh Fed muốn khống chế lạm phát. Mãi đến giữa tháng 9 năm nay, các nhà hoạch định chính sách mới hạ lãi suất 50 điểm cơ bản.

Khi Fed được kỳ vọng sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào năm 2023, giá cổ phiếu một lần nữa nhảy vọt. Lần này, sự hứa hẹn của trí tuệ nhân tạo (AI) đã thổi sức sống cho nhóm Magnificent Seven và đưa S&P 500 lên mức kỷ lục.

Giá vàng và thâm hụt ngân sách của Mỹ

Một số người nghĩ lần này có thể giống lần trước, nhưng Barron's nói chưa chắc. Điểm khác biệt lớn nhất là tình hình tài chính của Mỹ. Thâm hụt tài khoá của siêu cường này có khả năng tiếp tục phình to, trái ngược với xu hướng thặng dư ngân sách vào cuối thế kỷ trước.

Một dấu hiệu cho thấy sự khác biệt là tỷ suất sinh lời của vàng so với thị trường chứng khoán Mỹ.

Vào những năm 1990, kim loại quý này từng rớt giá thảm khi tiềm năng của internet dường như là vô hạn. Đến cuối thập niên 1990, vàng đã mất hơn hai phần ba giá trị so với mức đỉnh vào năm 1980 là 800 USD/ounce.

 

Song, bất chấp tiềm năng lớn lao của AI, vàng đang giao dịch vượt trội hơn cổ phiếu.

Tính riêng trong năm 2024 cũng như trong khoảng thời gian một và ba năm gần nhất, vàng đều tăng mạnh hơn chỉ số S&P 500.

Để so sánh, Barron’s sử dụng tỷ suất sinh lời của các quỹ ETF.

Kết quả là, SPDR S&P 500 đã đi lên hơn 21% từ đầu năm 2024, 33,7% trong 12 tháng gần nhất và 10,3% mỗi năm trong ba năm vừa qua.

Trong khi đó, SPDR Gold Shares tăng lần lượt 28,5%, 38,3% và 14,6% trong các giai đoạn nói trên, theo dữ liệu từ Morningstar.

Bất kể cổ phiếu giao dịch tích cực ra sao, tỷ suất sinh lời của vàng cho thấy thị trường kỳ vọng các chính trị gia sẽ làm mọi cách để giải quyết vấn đề ngân sách. 

Và theo Barron's, lạm phát là công cụ nhanh nhất để giảm bớt gánh nặng nợ nần của Mỹ.

Ngân sách sẽ tiếp tục thâm hụt?

Nhìn lại, vào những năm 1990, thâm hụt ngân sách liên bang đã giảm dần và chuyển sang thặng dư - tương đương hơn 2% GDP vào năm tài khoá 2000.

Tình hình tài chính của chính phủ Mỹ thay đổi chủ yếu là do Chiến tranh Lạnh kết thúc và chi tiêu quốc phòng thực tế (đã điều chỉnh cho lạm phát) suy giảm.

Động thái tăng thuế của chính quyền Tổng thống Bill Clinton cũng giúp cải thiện ngân sách của chính phủ liên bang. Và một nền kinh tế phát triển lành mạnh đã giúp tiền tiếp tục chảy vào ngân khố.

Bức tranh hiện tại hoàn toàn khác. Trước cả khi nền kinh tế suy thoái trong đại dịch COVID-19, thâm hụt ngân sách liên bang đã ở mức 4,5% GDP. Trong quá khứ, khi thâm hụt tương đương con số đó, nền kinh tế thường đang suy thoái.

Trong tương lai gần, thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể chạm mức nghìn tỷ USD. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, thâm hụt dự kiến sẽ vượt quá 5% GDP trong nửa cuối thập niên 2020 và leo lên mức 6,1% vào năm 2034.

Đến thập niên 2030, Mỹ có thể đạt đến ngưỡng “nợ bền vững” - tổng nợ công sẽ tương đương 150% GDP. Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Khi đó, các quỹ tín thác cho chương trình An sinh Xã hội và Medicare sẽ cạn kiệt, có thể buộc các nhà lập pháp phải cải cách chính sách như một phần của quá trình củng cố tài khoá.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng ngưỡng nợ bền vững có thể thấp hơn, dựa trên giả định lãi suất sẽ không tăng quá cao so với mức cực thấp của thập kỷ trước.

Tuy nhiên, chi phí lãi vay của chính phủ Mỹ hiện đã vượt qua chi tiêu quốc phòng. Mặt khác, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng - xung đột leo thang từ châu Âu đến Trung Đông, chi tiêu quốc phòng có thể đi lên.

Trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh đến trước cuộc khủng bố ngày 11/9/2001, môi trường địa chính trị toàn cầu tương đối ổn định.

Như Barron’s đã lưu ý, cách nhanh nhất để chính phủ giải quyết áp lực nợ nần và chi tiêu quốc phòng là lạm phát. Càng kìm hãm lãi suất thực (tức lãi suất đã điều chỉnh cho lạm phát) sẽ càng giảm bớt gánh nặng nợ nần của Washington.

Khả Nhân

Ngành thép Việt có hưởng lợi từ chính sách 'cứu' bất động sản của Trung Quốc?
Giới chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng rằng ngành thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc "cứu" thị trường bất động sản trong thời gian tới, tuy nhiên mức độ tác động ra sao và có kéo dài hay không thì cần theo dõi mức độ thẩm thấu chính sách vào nền kinh tế.