|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược cắt giảm (Retrenchment Strategy) là gì? Các trường hợp sử dụng

15:19 | 07/10/2019
Chia sẻ
Chiến lược cắt giảm hay chiến lược thu hẹp (tiếng Anh: Retrenchment Strategy) xảy ra khi một doanh nghiệp cơ cấu lại nhằm cắt giảm chi phí và tài sản trong nỗ lực lật ngược lại xu hướng suy giảm của doanh thu và sản lượng tiêu thụ.
cover-image-for-article

Hình minh họa. Nguồn: Instantreward

Chiến lược cắt giảm (Retrenchment Strategy)

Định nghĩa

Chiến lược cắt giảm hay chiến lược thu hẹp trong tiếng Anh là Retrenchment Strategy. Chiến lược cắt giảm xảy ra khi một doanh nghiệp cơ cấu lại nhằm cắt giảm chi phí và tài sản trong nỗ lực lật ngược lại xu hướng suy giảm của doanh thu và sản lượng tiêu thụ.

Đặc trưng

- Trong suốt thời kì cắt giảm, các nhà chiến lược phải hoạt động trong phạm vi nguồn lực hạn chế và đối mặt với áp lực đến từ các chủ sở hữu, người lao động hay giới truyền thông.

- Chiến lược cắt giảm có thể dẫn đến việc bán đất đai và bất động sản để huy động lượng tiền mặt cần thiết, cơ cấu lại tuyến sản phẩm, đóng cửa các nhà máy cũ kĩ, các lĩnh vực kinh doanh phân tán, tự động hóa quá trình, cắt giảm lao động và thiết lập hệ thống kiểm soát chi phí.

Ví dụ 

Chiến lược cắt giảm của Samsung trong cuộc Khủng hoảng tài chính Châu Á 1996 - 1997.

Người có công đầu vực dậy Samsung là kiến trúc sư Yun Jong Yong - Tổng giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch. Trong chiến lược cắt giảm và tái cấu trúc của mình, ông đã mạnh dạn sử dụng các biện pháp như:

- Sa thải 1/3 lượng công nhân (24.000 người)

- Thay 1/2 số nhà quản trị cấp cao

- Bán tài sản thừa (1,9 tỉ USD): 16 nhà máy, máy bay riêng…

- Cắt giảm 50% chi phí các loại.

Các trường hợp sử dụng chiến lược cắt giảm

- Theo Fred R.David, chiến lược cắt giảm có thể trở thành một chiến lược cạnh tranh rất hữu hiệu trong một số trường hợp sau đây:

+ Khi một doanh nghiệp có năng lực riêng biệt nhưng thất bại trong việc đạt được các mục tiêu cả ngắn hạn và dài hạn.

+ Khi doanh nghiệp ở vị thế cạnh tranh yếu hơn tron ngành.

+ Khi doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, người lao động không có động lực làm việc đồng thời chủ sở hữu gây áp lực nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

+ Khi doanh nghiệp thất bại trong việc tận dụng các cơ hội từ bên ngoài, tối thiểu hóa các nguy cơ, tận dụng được các điểm mạnh và khắc phục được các điểm yếu của doanh nghiệp.

+ Khi một doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh và quá rộng đến mức việc cấu trúc lại tổ chức là cần thiết.

(Tài liệu tham khảo: Retrenchment Strategy, Business Jargons; Giáo trình Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Minh Lan