|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trung tâm chi phí định mức là gì? Chỉ tiêu đánh giá

09:50 | 19/05/2020
Chia sẻ
Trung tâm chi phí định mức là trung tâm mà các yếu tố chi phí và các mức hao phí về nguồn lực để sử dụng nhằm sản xuất một đơn vị sản phẩm, dịch vụ đều được xây dựng định mức cụ thể.
Trung tâm chi phí định mức là gì? Chỉ tiêu đánh giá - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: mindmaplab)

Trung tâm chi phí định mức

Khái niệm

Trung tâm chi phí định mức tạm dịch sang tiếng Anh là Standard cost center.

Trung tâm chi phí định mức là trung tâm mà các yếu tố chi phí và các mức hao phí về nguồn lực để sử dụng nhằm sản xuất một đơn vị sản phẩm, dịch vụ đều được xây dựng định mức cụ thể. 

Trung tâm này thường gắn với cấp quản trị cơ sở, chẳng hạn như: nhà máy sản xuất, bộ phận sản xuất... nhà quản của trung tâm này là giám đốc nhà máy, trưởng phòng sản xuất, quản đốc phân xưởng... 

Chỉ tiêu đánh giá

Tại trung tâm này, nhà quản trung tâm có trách nhiệm kiểm soát chi phí thực tế phát sinh đảm bảo việc chi phí phát sinh theo đúng định mức chi phí đơn vị sản phẩm. Đối với trung tâm, nhà quản trị phải chịu trách nhiệm về mặt kết quả và hiệu quả trong phạm vi hoạt động của trung tâm.

- Về mặt kết quả: được đánh giá thông qua việc trung tâm có hoàn thành được kế hoạch sản xuất trên cơ sở đảm bảo đúng thời hạn và tiêu chuẩn thuật qui định không. Sau đó tiến hành phân tích, xác định các biến động về lượng và biến động về giá

Biến động về lượng = (Lượng thực tế -Lượng định mức) × Giá định mức

Biến động về giá = (Giá thực tế -Giá định mức) × Lượng thực tế

+ Biến động về lượng: phản ánh mức tiêu hao vật chất và lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một sản phẩm đã thay đổi như thế nào.

+ Biến động về giá: phản ánh giá của một đơn vị nguyên liệu để sản xuất ra một sản phẩm đã thay đổi ra sao.

- Về mặt hiệu quả: được đo lường thông qua việc so sánh giữa chi phí thực tế và chi phí định mức. Trên cơ sở đó nhà quản sẽ phân tích biến động chi phí và xác định nguyên nhân tác động đến tình hình thực hiện định mức chi phí.

Chênh lệch chi phí = Chi phí thực tế -Chi phí dự toán (định mức)

Sử dụng phương pháp so sánh chi phí thực tế và chi phí dự toán, nhà quản trị có thể biết được chênh lệch nào là tốt, chênh lệch nào là xấu. 

Đồng thời, sử dụng phương pháp số chênh lệch để phân tích biến động của các nhân tố, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có các giải pháp thích hợp nhằm đáp ứng mục tiêu tối thiểu hóa chi phí của trung tâm. 

Kết quả so sánh biến động giữa chi phí thực tế và chi phí định mức xảy ra trong các trường hợp sau:

- Nếu thực tế lớn hơn định mức, tức là biến động cho kết quả dương, nhìn chung kết quả này là không tốt, bởi chi phí thực tế phát sinh lớn hơn so với định mức. Nhà quản trị cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao như vậy?

- Nếu thực tế bằng định mức, đây là trường hợp đảm bảo thực tế đung bằng định mức.

- Nếu thực tế nhỏ hơn định mức, được đánh giá là trường hợp tốt (nếu vẫn đảm bảo về mặt chất lượng).

Phân tích biến động đúng biến động chi phí và tìm hiểu rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động sẽ giúp cho nhà quản trị có cái nhìn cụ thể và chính xác từ đó có những giải pháp hợp và kịp thời, từ đó hạn chế rủi ro hay phát huy thế mạnh và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu tối thiểu hóa chi phí.

(Tài liệu tham khảo: Qui trình, công cụ và tiêu chuẩn kiểm soát, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi