|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình sản xuất kéo (Pull-Through Production) là gì? So sánh với mô hình sản xuất để lưu kho

09:03 | 19/05/2020
Chia sẻ
Mô hình sản xuất kéo (tiếng Anh: Pull-Through Production) là một chiến lược sản xuất đúng lúc bằng cách sản xuất mặt hàng ngay tại thời điểm công ty nhận được đơn đặt hàng.
Mô hình sản xuất kéo (Pull-Through Production) là gì? So sánh với mô hình sản xuất để lưu kho - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Freepik)

Mô hình sản xuất kéo

Khái niệm

Mô hình sản xuất kéo trong tiếng Anh là Pull-Through Production.

Mô hình sản xuất kéo là một chiến lược sản xuất đúng lúc bằng cách sản xuất mặt hàng ngay tại thời điểm công ty nhận được đơn đặt hàng.

Mô hình sản xuất kéo tối ưu sản xuất kéo, một phương pháp để kiểm soát dòng tài nguyên thông qua một hệ thống.

Tài nguyên sẽ được sản xuất chỉ khi chúng thực sự cấp bách hoặc được khách hàng yêu cầu.

Đặc điểm của Mô hình sản xuất kéo

Mô hình sản xuất kéo là một phương pháp quản trị hàng tồn kho trong đó các sản phẩm được sản xuất dựa trên nhu cầu thực tế, theo tùy chỉnh hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng.

Mô hình sản xuất kéo đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian thực. Điều đó có nghĩa là sản phẩm được làm hay được mua chỉ khi khách hàng gửi đơn đặt hàng.

Mục tiêu của mô hình sản xuất kéo là thay thế chỉ những sản phẩm đã được sử dụng và tại một thời điểm tối ưu. 

Mô hình sản xuất kéo hoạt động hiệu quả đối với các sản phẩm có thể được sản xuất hoặc bổ sung nhanh chóng; đối với các sản phẩm có nhu cầu không ổn định; và đối với các sản phẩm không được hưởng lợi từ tính qui mô kinh tế.

Ưu điểm và nhược điểm của Mô hình sản xuất kéo

Ưu điểm

Một lợi thế của mô hình sản xuất kéo là khả năng bán hàng mà không có chi phí liên quan đến việc lưu trữ hàng tồn kho. 

Nếu một công ty có thể giao hàng như đã hứa mà không phải chịu các chi phí phụ này, thì mô hình sản xuất kéo sẽ dẫn đến chi phí bán hàng thấp hơn và tỉ suất lợi nhuận cao hơn.

Dựa trên các đơn đặt hàng và tiến độ sản xuất trên thực tế, thay vì dự đoán trước số lượng hàng, mô hình sản xuất kéo dẫn đến chi phí lưu kho, chi phí sản xuất, bảo hiểm, nguyên liệu thô và hàng hóa thành phẩm thấp hơn.

Mô hình sản xuất kéo qua cũng cho phép công ty điều chỉnh hiệu quả chi phí một mặt hàng theo thông số kĩ thuật khách hàng đã đề xuất, tạo cho khách hàng trung thành với sản phẩm của công ty.

Nhược điểm

Tuy nhiên, có một số nhược điểm đáng chú ý đối với chiến lược sản xuất kéo. 

Với mô hình sản xuất kéo, công ty phải tiến hành nhiều hoạt động sản xuất nhỏ hơn thay vì chỉ một hoặc hai lần sản xuất. Quá trình này có thể tốn kém nếu không được quản lí đúng cách.

Một nhược điểm khác là các lô công việc có thể nhỏ như một đơn vị, có thể đòi hỏi nhiều chi phí hơn trong việc thiết lập thiết bị trong qui trình sản xuất hoặc cần phải đặt hàng số lượng nhỏ nguyên liệu thô.

Mô hình sản xuất kéo và Mô hình sản xuất lưu kho

Mô hình sản xuất để lưu kho đề cập đến mô hình truyền thống thông qua dự báo, lập kế hoạch theo nhu cầu theo mùa và xu hướng lịch sử, hơn là phải cố gắng đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng.

Thông thường, sự khác biệt trong các mô hình sản xuất kéo và sản xuất lưu kho này là bổ sung cho nhau. Quản lí tính linh hoạt của mô hình sản xuất kéo và sản xuất lưu kho là rất quan trọng để quản lí chuỗi cung ứng thành công.

Ví dụ, để một số công ty thương mại điện tử đạt được sự cân bằng hiệu quả về chi phí trong sản xuất, họ có thể sử dụng mô hình sản xuất lưu kho cho các mặt hàng có khối lượng lớn mà họ biết đã bán tốt dựa trên dự báo. Ngoài ra, họ có thể sử dụng mô hình sản xuất kéo cho các mặt hàng đặc biệt mà họ không đủ khả năng để dự trữ, nhưng họ tin rằng sẽ hấp dẫn khách hàng.

Mặc dù các phương pháp này dường như đối lập với nhau, nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau. Trên thực tế, chúng thường hiệu quả nhất khi được áp dụng chiến lược cùng nhau để giải quyết các kịch bản kinh doanh.

Các lưu ý đặc biệt đối với Mô hình sản xuất kéo

Công nghệ thông tin giúp nhà cung cấp rất dễ dàng chuyển từ mô hình sản xuất lưu kho sang mô hình sản xuất kéo. Do đó, mô hình sản xuất kéo có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp ngành thương mại điện tử.

Việc áp dụng mô hình sản xuất kéo vào ngành thương mại điện tử của doanh nghiệp có thể hấp dẫn đối với các công ty nhỏ hơn muốn có sự kinh doanh trực tuyến và cung cấp nhiều tùy chọn hơn cho khách hàng nhưng ngân sách tồn kho thấp.

(Theo Investopedia)

Minh Hằng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.