Quản trị hàng tồn kho (Inventory management) là gì?
Hình minh họa
Quản trị hàng tồn kho (Inventory management)
Định nghĩa
Quản trị hàng tồn kho trong tiếng Anh là Inventory management.
Quản trị hàng tồn kho là một phương pháp lên kế hoạch để xác định khi nào thì đặt hàng và lượng đặt hàng là bao nhiêu để chi phí cho việc đặt hàng và chi phí lưu kho được hiệu quả tối ưu mà không làm sản xuất bị gián đoạn.
Thuật ngữ liên quan
Hàng tồn kho (Inventories) là những tài sản mà doanh nghiệp dự trữ để đưa vào sản xuất hoặc bán ra sau này. Căn cứ vào vai trò, có thể chia hàng tồn kho của doanh nghiệp thành ba loại: nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm.
Vai trò của quản trị hàng tồn kho
- Hàng tồn kho thường chiếm một tỉ trọng lớn trong tài sản của doanh nghiệp (thường khoảng 40-50%) vì thế việc quản lí, kiểm soát hàng tồn kho tốt sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần đảm bảo cho quá trình sản xuất liên tục của doanh nghiệp.
- Việc quản trị hàng tồn kho có hai vấn đề trái ngược nhau là: đảm bảo việc sản xuất liên tục, không bị gián đoạn, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng thì cần phải dự trữ một khối lượng hàng tồn kho lớn nhưng nếu việc dự trữ một khối lượng hàng tồn kho lớn như thế thì dẫn đến việc chi phí quản lí nó sẽ tăng cao.
Nội dung
Quản trị hàng tồn kho cơ bản là giải quyết hai vấn đề chính đó là:
+ Khi nào thì nên đặt hàng?
+ Lượng đặt hàng là bao nhiêu?
Mục tiêu của quản trị hàng tồn kho
- Đảm bảo cung cấp đầy đủ sản phẩm cho khách hàng và tránh tình trạng thiếu hụt hàng. Đảm bảo chi phí cho việc lưu kho, dự trữ tối thiểu.
- Duy trì đầy đủ lượng tồn kho của tất cả các mặt hàng và phải đảm bảo chi phí quản lí trong giới hạn mong muốn.
- Đảm bảo có thể kịp thời bổ sung những nguồn lực trong sản xuất. Việc quản trị hàng tồn kho cung cấp một cơ sở khoa học để lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho việc mua vật liệu.
Lợi ích của việc quản trị hàng tồn kho
Việc quản trị hàng tồn kho một cách khoa học sẽ có những lợi ích sau:
- Cải thiện mối quan hệ với khách hàng vì khi quản trị hàng tồn kho tốt thì có thể giao hàng kịp thời cho khách hàng.
- Sản xuất liên tục và không bị gián đoạn
- Sử dụng hiệu quả vốn lưu động, giúp giảm thiểu tổn thất
- Loại bỏ khả năng trùng lặp khi đặt hàng
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị sản xuất và chất lượng, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)