|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trục lợi bảo hiểm (Insurance Profiteering) là gì? Các hình thức, nguyên nhân và hậu quả

15:29 | 16/01/2020
Chia sẻ
Trục lợi bảo hiểm (tiếng Anh: Insurance Profiteering) là một vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp bảo hiểm, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh và thiếu sự công bằng.
Trục lợi bảo hiểm (Insurance Profiteering) là gì? Các hình thức, nguyên nhân và hậu quả - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: cafef.vn)

Trục lợi bảo hiểm

Khái niệm

Trục lợi bảo hiểm trong tiếng Anh là Insurance Profiteering.

Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố tình gian dối, lừa đảo có thể có chủ ý ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro cho đối tượng bảo hiểm nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lí họ không được hưởng (Theo Hiệp hội bảo hiểm Canada).

Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm và ở bất cứ quốc gia nào đã triển khai bảo hiểm thương mại thì ở nước đó sẽ có trục lợi bảo hiểm.

Các hình thức trục lợi bảo hiểm

Mỗi nghiệp vụ bảo hiểm được triển khai đều có những hành vi trục lợi bảo hiểm. Hành vi này liên quan chủ yếu đến khách hàng bảo hiểm nhưng đôi khi cũng liên quan đến các nhân viên bảo hiểm. 

Các hình thức trục lợi phổ biến liên quan đến khách hàng bảo hiểm:

• Hợp lí hóa ngày và hiệu lực bảo hiểm (trong bảo hiểm xe cơ giới, tàu thuyền…);

• Thay đổi tình tiết vụ tai nạn (trong bảo hiểm cháy, xây dựng lắp đặt…);

• Tạo hiện trường giả (trong bảo hiểm cháy, thiết bị điện tử, bảo hiểm cây trồng vật nuôi…);

• Khai tăng số tiền tổn thất (phổ biến trong bảo hiểm tài sản và trách nhiệm);

• Lập hồ sơ khiếu nại nhiều lần (bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển);

• Khai báo rủi ro không trung thực (trong bảo hiểm cá nhân phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ);

• Khai giảm tuổi so với tuổi thực trong bảo hiểm nhân thọ để được giảm phí;

• Cố ý gây tai nạn (trong bảo hiểm tài sản và trách nhiệm);

• Gian lận đối với người thứ ba (không bồi thường cho người thứ ba, mặc dù đã nhận tiền bảo hiểm, hoặc đã đòi người thứ ba có liên đới bồi thường song không khai báo với doanh nghiệp bảo hiểm…)

Nguyên nhân của trục lợi bảo hiểm

• Do những kẽ hở của pháp luật và do thực hiện pháp luật không nghiêm, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát và xử lí nên nhiều người nảy sinh hành vi gian lận

• Thị trường bảo hiểm luôn sôi động, phức tạp, tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn giữ bí mật thông tin. 

Việc trao đổi những thông tin cần thiết về khách hàng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hầu như không có nên một đối tượng có thể tham gia bảo hiểm ở nhiều doanh nghiệp để nhận được tiền bồi thường ở tất cả các công ty bảo hiểm khi xảy ra tổn thất.

• Nhận thức của người dân về pháp luật còn nhiều yếu kém, nhất là những văn bản pháp qui về bảo hiểm

• Do lỗi vô tình hay cố ý của các nhân viên bảo hiểm, vô tình ghi sai ngày, không đánh giá chính xác mức độ rủi ro, hoặc họ cố tình thông đồng với khách hàng trục lợi bảo hiểm

• Do sự thông đồng giữa những người tham gia bảo hiểm có hành vi gian lận với những người có liên quan như y bác sĩ, những người làm chứng…

Hậu quả của trục lợi bảo hiểm

• Đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Làm giảm lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh của công ty bị hạn chế, thậm chí còn gây tác động xấu đến uy tín của doanh nghiệp

• Đối với khách hàng: Người trung thực sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi, vì phí bảo hiểm mà họ phải nộp dành để chi trả cho cả những khoản tiền gian lận không được phát hiện ra

• Đối với xã hội: Làm tha hóa, biến chất cán bộ nhà nước, làm cho môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh và thiếu sự công bằng. Từ đó dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây rối trật tự an ninh xã hội.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh bảo hiểm, NXB ĐH Kinh tế quốc dân)

Đức Nhượng

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.