|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài trợ thâm hụt (Deficit financing) là gì?

14:35 | 08/01/2020
Chia sẻ
Tài trợ thâm hụt (tiếng Anh: Deficit financing) là việc tài trợ trong tình hình chi ngân sách vượt quá thu ngân sách.
Tài trợ thâm hụt (Deficit financing) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Jagran Josh

Tài trợ thâm hụt (Deficit financing)

Định nghĩa

Tài trợ thâm hụt trong tiếng Anh là Deficit financing.

Tài trợ thâm hụt là việc tài trợ trong tình hình chi ngân sách vượt quá thu ngân sách.

*Tình hình chi vượt quá thu hay thâm hụt ngân sách (Budget deficit) là tình trạng các khoản chi của ngân sách Nhà nước vượt quá các nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Một số biện pháp tài trợ thâm hụt

Các biện pháp tài trợ thâm hụt có thể kể đến như: 

(1) Vay nợ trong nước

- Chính phủ có thể tiến hành vay nợ trong nước, huy động nguồn tiền dự trữ trong dân chúng bằng cách phát hành trái phiếu, công trái của Chính phủ.

Ưu điểm

- Đây là biện pháp cho phép Chính phủ có thể tài trợ thâm hụt ngân sách mà không cần phải tăng cơ sở tiền hoặc giảm dự trữ quốc tế. Vì vậy, biện pháp này được coi là một cách hiệu quả để kiềm chế lạm phát.

Hạn chế

- Việc tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách vay nợ tuy không gây ra lạm phát trước mắt nhưng có thể làm tăng áp lực lạm phát trong tương lai nếu tỉ lệ nợ/GDP liên tục tăng. Ngoài ra, việc huy động nợ từ dân chúng trực tiếp làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực tư nhân và gây sức ép làm tăng lãi suất trong nước.

(2) Vay nợ nước ngoài

- Chính phủ có thể tiến hành vay nợ nước ngoài thông qua việc nhận viện trợ nước ngoài hoặc vay nợ nước ngoài từ các Chính phủ nước ngoài, các định chế tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB)Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF)Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)..., các tổ chức liên chính phủ, tổ chức quốc tế...

Ưu điểm

- Biện pháp tài trợ thâm hụt này có thể bù đắp được các khoản bội chi mà không gây sức ép lạm phát cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn vốn quan trọng bổ sung cho nguồn vốn thiếu hụt trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhược điểm

- Vay nợ nước ngoài làm tăng gánh nặng nợ nần, tăng nghĩa vụ trả nợ cho nền kinh tế, giảm khả năng chi tiêu của Chính phủ. Đồng thời, hướng tài trợ này khiến cho nền kinh tế bị phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là khi các khoản viện trợ thường kèm theo các điều khoản về kinh tế, chính trị, quân sự.

(3) Sử dụng dự trữ ngoại tệ

- Quĩ dự trữ ngoại tệ là lượng ngoại tệ mà ngân hàng trung ương hoặc cơ quan hữu trách tiền tệ của một quốc gia hoặc một lãnh thổ nắm giữ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán quốc tế hoặc hỗ trợ đồng tiền quốc gia.

- Chính phủ có thể giảm dự trữ ngoại tệ để tài trợ thâm hụt ngân sách.

Ưu điểm

- Biện pháp này có ưu điểm là mức dự trữ hợp lí có thể giúp quốc gia tránh khỏi khủng hoảng.

Hạn chế

- Việc sử dụng dự trữ ngoại tệ để tài trợ thâm hụt ngân sách tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần hạn chế sử dụng.

- Nếu khu vực tư nhân cho rằng nguồn dự trữ ngoại thể của quốc gia hết sức mỏng manh và mất niềm tin vào khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối của Chính phủ, điều này có thể dẫn đến dòng vốn ồ ạt chảy ra thế giới bên ngoài, làm cho đồng nội tệ giảm mạnh và gia tăng sức ép lạm phát.

- Kết hợp với việc vay nợ ở trên việc giảm quĩ dự trữ ngoại tệ cũng khiến cho tỷ giá hối đoái tăng, làm suy yếu sức cạnh tranh quốc tế của hàng hóa trong nước.

(4) Vay ngân hàng (in tiền)

Trong trường hợp thâm hụt ngân sách, Chính phủ có thể đi vay Ngân hàng Trung ương để bù đắp. Để đáp ứng yêu cầu này, tất nhiên, Ngân hàng trung ương sẽ tăng việc in tiền. Điều này sẽ làm tăng cơ sở tiền tệ. Chính vì vậy, biện pháp này còn được gọi là tiền tệ hóa thâm hụt.

Ưu điểm

- Biện pháp này có ưu điểm là đáp ứng nhanh chóng nhu cầu bù đắp ngân sách nhà nước, không phải trả lãi và không tạo ra gánh nặng nợ nần.

Hạn chế

- Việc in thêm hay phát hành thêm tiền sẽ khiến cho cung tiền vượt cầu tiền, có thể gây nên tình trạng lạm phát gia tăng đến mức không thể kiểm soát nổi.

- Trong những năm 80 của thế kỉ 20, nước ta đã bù đắp bội chi ngân sách nhà nước bằng cách in thêm tiền đưa vào lưu thông. Việc này đã đẩy tỉ lệ lạm phát đỉnh điểm lên tới hơn ba con số.

- Chính vì những hậu quả đó, biện pháp này rất ít khi được sử dụng. Và từ năm 1992, nước ta đã chấm dứt hoàn toàn việc in tiền để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước.

Lưu ý: Ngoài các biện pháp nêu trên, Chính phủ có thể tài trợ thâm hụt thông qua áp dụng chính sách "tăng thu, giảm chi". Bằng quyền hạn và nhiệm vụ được giao, Chính phủ tính toán hợp lí để tăng các khoản thu (ví dụ thu thuế) và cắt giảm chi tiêu.

(Tài liệu tham khảo: Britannica.com; Slideshare)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thanh Tùng