Chu trình ngân sách (Budget Process) là gì? Các hoạt động
Chu trình ngân sách
Khái niệm
Chu trình ngân sách trong tiếng Anh là budget process.
Hoạt động ngân sách nhà nước có tính chu kì, lặp đi lặp lại hình thành chu trình ngân sách, chu trình ngân sách là toàn bộ các hoạt động ngân sách được sắp xếp theo một trình tự nhất định và được lặp đi lặp lại hàng năm.
Chu trình ngân sách hay còn gọi là qui trình ngân sách dùng để chỉ toàn bộ hoạt động của một năm tài chính kể từ khi bắt đầu hình thành cho tới khi kết thúc chuyển sang năm ngân sách mới. Các hoạt động trong một chu trình ngân sách bao gồm:
- Lập dự toán ngân sách, phê duyệt và giao dự toán ngân sách nhà nước;
- Chấp hành/thực hiện ngân sách nhà nước;
- Quyết toán ngân sách nhà nước.
Thời gian của một chu trình ngân sách (tính từ lúc lập dự toán cho đến khi quyết toán ngân sách) không trùng với năm tài chính và dài hơn thời gian của một năm tài chính. Xét về mặt nội dung, trong một năm tài chính cũng đồng thời diễn ra cả ba khâu: quyết toán ngân sách năm trước, chấp hành ngân sách năm nay, dự toán ngân sách năm sau.
Lập dự toán ngân sách
Lập dự toán ngân sách là công việc khởi đầu có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ các khâu của chu trình quản lí ngân sách. Lập dự toán ngân sách thực chất là lập kế hoạch (dự toán) các khoản thu chi của ngân sách trong một năm tài chính (hoặc trong giai đoạn ngân sách dự kiến). Kết quả của khâu này là dự toán ngân sách được các cấp có thẩm quyền quyết định.
Lập dự toán ngân sách cần phải dựa vào các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong niên độ kế hoạch và dựa vào hệ thống các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn định mức thu - chi của ngân sách nhà nước.
Chấp hành ngân sách
Đây là khâu tiếp theo khâu lập ngân sách. Đó chính là quá trình sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế tài chính và hành chính nhằm biến các chỉ tiêu thu, chi ghi trong kế hoạch ngân sách nhà nước năm trở thành hiện thực.
Việc chấp hành ngân sách nhà nước có mục tiêu là biến các chỉ tiêu thu, chi ghi trong kế hoạch ngân sách năm từ khả năng, dự kiến thành hiện thực. Từ đó, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước.
Kiểm tra việc thực hiện các chính sách chế độ, tiêu chuẩn về kinh tế và tài chính. Đối với quản lí ngân sách nhà nước, chấp hành ngân sách nhà nước là khâu trọng tâm có ý nghĩa quyết định đến một chu trình ngân sách.
Chấp hành ngân sách nhà nước phải thực hiện tốt theo dự toán thu và dự toán chi; thu ngân sách phải trên cơ sở không ngừng bồi dưỡng, phát triển nguồn thu, động viên khai thác để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước; chi ngân sách phải tiết kiệm và đạt kết quả cao.
Quyết toán ngân sách
Quyết toán ngân sách nhà nước là khâu cuối cùng của một chu trình ngân sách. Mục đích là nhằm đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động của thu, chi ngân sách nhà nước, từ đó rút ra ưu, nhược điểm và bài học kinh nghiệm.
Quyết toán ngân sách nhà nước thường được thực hiện theo phương pháp lập từ cơ sở, tổng hợp từ dưới lên để bảo đảm tính hệ thống.
Quyết toán ngân sách nhà nước phải bảo đảm tính chính xác, trung thực và kịp thời để từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm trong công tác quản lí và điều hành ngân sách nhà nước.
(Theo Giáo trình Lý thuyết tài chính tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)