Thu ngân sách Nhà nước là gì? Bản chất và phân loại thu ngân sách
Hình minh họa
Thu ngân sách Nhà nước
Định nghĩa
Thu ngân sách Nhà nước là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quĩ ngân sách Nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
Thuật ngữ liên quan
Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước là nội dung các khoản thu ngân sách Nhà nước và tỉ trọng từng khoản thu trong tổng thu ngân sách Nhà nước.
Bản chất thu ngân sách Nhà nước
- Thu ngân sách Nhà nước phản ánh các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình phân chia các nguồn tài chính quốc gia giữa Nhà nước với các chủ thể trong xã hội.
Chúng ta biết rằng, nguồn tài chính được tập trung vào ngân sách Nhà nước chính là một phần thu nhập của các tầng lớp dân cư được chuyển giao cho Nhà nước. Do vậy, việc xác định các khoản thu phải trên cơ sở giải quyết hài hoà giữa lợi ích Nhà nước với lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
- Thu ngân sách Nhà nước trước hết và chủ yếu gắn liền với các hoạt động kinh tế trong xã hội.
Mức độ phát triển kinh tế, tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm là tiền đề và là yếu tố khách quan hình thành nên các khoản thu ngân sách Nhà nước và quyết định mức độ động viên các khoản thu của ngân sách Nhà nước.
- Về mặt nội dung, thu ngân sách Nhà nước chứa đựng các quan hệ phân phối dưới hình thức giá trị nảy sinh trong quá trình Nhà nước dùng quyền lực tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quĩ tiền tệ tập trung của Nhà nước.
Phân loại thu ngân sách Nhà nước
* Căn cứ vào nguồn phát sinh các khoản thu
Thu ngân sách Nhà nước được chia thành thu trong nước và thu từ nước ngoài.
Trong đó nguồn thu từ trong nước chiếm tỉ trọng lớn và đóng vai trò rất quan trọng đối với tổng thu ngân sách Nhà nước.
Thu từ nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng tuy nhiên chiếm tỉ trọng không lớn và không phải quyết định.
* Căn cứ vào tính chất phát sinh và nội dung kinh tế
Thu ngân sách Nhà nước bao gồm:
- Thu thường xuyên là các khoản thu phát sinh tương đối đều đặn, ổn định về mặt thời gian và số lượng gồm thuế, phí, lệ phí. Trong đó:
+ Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc của các tổ chức, cá nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật qui định, không mang tính chất hoàn trả trực tiếp, nhằm trang trải các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước.
+ Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ (được qui định trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí).
+ Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức được uỷ quyền phục vụ công việc quản lí Nhà nước (được qui định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí).
- Thu không thường xuyên là những khoản thu không ổn định về mặt thời gian phát sinh cũng như số lượng tiền thu được, bao gồm:
+ Các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước
+ Thu từ hoạt động sự nghiệp
+ Thu tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước
+ Thu từ viện trợ nước ngoài, từ vay trong nước và ngoài nước và các khoản thu khác.
Ý nghĩa
Qua cách phân loại này để thấy rõ sự phát triển của nền kinh tế, tính hiệu quả của nền kinh tế và mức độ ổn định vững chắc của nguồn thu ngân sách.
Căn cứ vào yêu cầu động viên vốn vào ngân sách Nhà nước
(1) Thu trong cân đối ngân sách Nhà nước
Bao gồm các khoản thu:
- Thuế, phí, lệ phí
- Thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, bao gồm: thu nhập từ vốn góp của Nhà nước vào các cơ sở kinh tế, tiền thu hồi vốn của Nhà nước tại các cơ sở kinh tế, thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (cả lãi và gốc)
- Thu từ hoạt động sự nghiệp
- Thu tiền bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu Nhà nước;
- Các khoản thu khác theo luật định
Trong các khoản thu nói trên thì thuế là nguồn thu chủ yếu, chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng thu của ngân sách Nhà nước.
(2) Thu bù đắp thiếu hụt
Khi số thu ngân sách Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu và Nhà nước phải đi vay, bao gồm vay trong nước từ các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế – xã hội, vay từ nước ngoài…
Ý nghĩa
Cách phân loại này cho phép đánh giá sự lành mạnh của ngân sách Nhà nước và rất có ý nghĩa trong tổ chức điều hành ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện được việc phân tích, nghiên cứu và đảm bảo tính hiệu quả của các khoản thu, cũng như nâng cao hiệu quả thu ngân sách Nhà nước ngoài việc phân định các khoản thu và lập dự toán phù hợp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản lí tài chính công, NXB tài chính; Ngân sách Nhà nước, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)