Chấp hành Ngân sách Nhà nước (State budget implementation) là gì? Mục tiêu
Hình minh hoạ (Nguồn: straitstimes)
Chấp hành Ngân sách Nhà nước
Khái niệm
Chấp hành Ngân sách Nhà nước hay thực hiện Ngân sách Nhà nước trong tiếng Anh được gọi là State budget implementation.
Chấp hành Ngân sách Nhà nước là quá trình sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, tài chính và hành chính nhằm biến các chỉ tiêu thu, chi ghi trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm trở thành hiện thực.
Để thực thi ngân sách được hiệu quả, vai trò của khâu lập dự toán không thể phủ nhận. Một ngân sách dự toán tốt có thể được thực hiện không tồi, nhưng một ngân sách lập tồi, không thể thực hiện tốt.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thực hiện ngân sách chỉ đơn thuần là đảm bảo tuân thủ ngân sách dự kiến ban đầu, mà phải thích ứng với các thay đổi khách quan trong quá trình thực hiện, đồng thời tính đến hiệu quả hoạt động.
Mục tiêu
Mục tiêu của chấp hành Ngân sách Nhà nước là:
Biến các chỉ tiêu thu, chi ghi trong kế hoạch ngân sách năm từ khả năng, dự kiến thành hiện thực. Từ đó, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức về kinh tế - tài chính của Nhà nước.
Thông qua chấp hành Ngân sách Nhà nước mà tiến hành đánh giá sự phù hợp của chính sách với thực tiễn.
Đối với công tác quản lí điều hành Ngân sách Nhà nước, chấp hành Ngân sách Nhà nước là khâu cốt yếu có ý nghĩa quyết định với một chu trình ngân sách.
Nếu khâu lập kế hoạch đạt kết quả tốt thì cơ bản cũng mới dừng ở trên giấy, nằm trong khả năng và dự kiến, chúng có biến thành hiện thực hay không là tuỳ thuộc vào khâu chấp hành ngân sách.
Hơn nữa, chấp hành ngân sách thực hiện tốt sẽ có tác dụng tích cực trong việc thực hiện khâu tiếp theo là quyết toán ngân sách Nhà nước.
Nội dung
Nội dung tổ chức chấp hành ngân sách Nhà nước
- Tổ chức thu ngân sách Nhà nước
Trên cơ sở nhiệm vụ thu cả năm được giao và nguồn thu dự kiến phát sinh trong quí, cơ quan thu lập dự toán thu ngân sách quí chi tiết theo khu vực kinh tế, địa bàn và đối tượng thu chủ yếu, gửi cơ quan tài chính cuối quí trước.
- Tổ chức chi ngân sách Nhà nước
Giai đoạn này bao gồm các khâu:
+ Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách
+ Lập nhu cầu chi quí
+ Cơ chế kiểm soát chi
+ Điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước
(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi)