Hoạch định chính sách văn hoá là gì? Các bước thực hiện
Hoạch định chính sách văn hoá
Khái niệm
Hoạch định chính sách văn hoá tạm dịch sang tiếng Anh là Cultural policy planning.
Hoạch định chính sách văn hoá là một quá trình bao gồm việc nghiên cứu đề xuất chính sách với các nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp và công cụ phải sử dụng của chính sách.
Các bước thực hiện
Hoạch định chính sách văn hoá bao gồm các bước:
- Bước 1: Nhận thức rõ vai trò của văn hoá trong sự phát triển để có sự đầu tư thoả đáng cho lĩnh vực này. Đây không phải là một vấn đề đơn giản vì không phải ai cũng có sự hiểu biết đầy đủ và chính xác về văn hoá.
Người ta dễ nhìn thấy vấn đề chính trị hoặc kinh tế hơn vấn đề văn hoá, vì cho chính trị, kinh tế là cái tức thời, là cái gốc quyết định mọi việc; còn văn hoá thực hiện chậm hoặc không thực hiện cũng không sao.
- Bước 2: Xác định vấn đề cần ưu tiên giải quyết về văn hoá. Trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, dựa trên việc phân tích các nguy cơ về văn hoá và khả năng, nguồn lực có thể đưa vào sử dụng.
Đây là một công hết sức phức tạp và nó đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia chính sách văn hoá có năng lực và hết sức công tâm mới có thể đưa ra các lựa chọn xác đáng.
Cần phải loại bỏ quan điểm lợi ích cục bộ và quan điểm bình quân chủ nghĩa dẫn tới ngành nào, lĩnh vực nào cũng cho mình là quan trọng cần phải ưu tiên; cuối cùng là chia đều bằng cho tất cả.
- Bước 3: Xây dựng các phương án chính sách văn hoá (tổng thể và phân hệ) có thể.
- Bước 4: Xem xét, đánh giá các phương án dự thảo của chính sách (bằng các chuyên gia chuyên ngành, bằng việc lấy ý kiến rộng rãi của xã hội).
- Bước 5: Thông qua phương án cuối cùng (phương án tối ưu, phương án được chọn để đưa vào sử dụng).
- Bước 6: Thể chế hoá chính sách văn hoá bằng các văn bản qui phạm pháp luật; để buộc các chính sách đó phải thực hiện tốt trong cuộc sống.
- Bước 7: Công khai công bố chính sách văn hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhân dân, xã hội biết mà đồng lòng thực hiện, theo dõi kiểm tra sát sao kịp thời.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)