Ngân hàng phát triển châu Á (Asian Development Bank - ADB) là gì?
Trụ sở của Ngân hàng Phát triển châu Á. Nguồn: Wikipedia
Ngân hàng Phát triển châu Á
Khái niệm
Ngân hàng Phát triển châu Á trong tiếng Anh là the Asian Development Bank, viết tắt là ADB.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một ngân hàng phát triển khu vực được thành lập năm 1966 nhằm thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, xã hội và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trụ sở của Ngân hàng nằm tại Manila, Philippines.
ADB cam kết phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, toàn diện, kiên cường và bền vững, đồng thời duy trì các nỗ lực của mình để xóa đói giảm nghèo cùng cực. ADB hỗ trợ các thành viên và đối tác của mình bằng cách cung cấp các khoản vay, hỗ trợ kĩ thuật, tài trợ và đầu tư vốn cổ phần để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.
Chức năng
Chức năng của ADB là hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, phát triển xã hội, quản lí kinh tế tốt.
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng: tăng trưởng kinh tế không tự nhiên có tính bền vững và thường làm gia tăng mất công bằng. Để tăng trưởng bền vững và công bằng, cần có sự can thiệp trong khi vẫn đảm bảo một sự phát triển thân thiện với thị trường.
Phát triển xã hội: giúp đỡ các cá nhân, nhóm, cộng đồng để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế.
Quản lí kinh tế tốt: thực hiện các chính sách kinh tế một cách có trách nhiệm, có sự tham gia, có khả năng dự đoán, và minh bạch, chống tham nhũng.
Mục tiêu hoạt động
Để thực hiện được chức năng nói trên, ADB đề ra các mục tiêu cho hoạt động của mình, bao gồm: bảo vệ môi trường, hỗ trợ giới và phát triển, phát triển khu vực tư nhân, hỗ trợ hợp tác khu vực.
Bảo vệ môi trường: người nghèo ở thường bị buộc phải sống ở những khu vực có điều kiện môi trường bất lợi. Muốn xóa nghèo thì phải bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ giới: ở nhiều nước, phần lớn người nghèo là phụ nữ. Hỗ trợ phụ nữ phát triển là một biện pháp xóa nghèo.
Hỗ trợ khu vực tư nhân: khuyến khích cải cách và hoàn thiện môi trường chính sách để tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân, hỗ trợ sự hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, cho vay và hỗ trợ kỹ thuật cho các xí nghiệp tư nhân và thể chế tài chính tư nhân
Khuyến khích hợp tác và liên kết khu vực: khuyến khích sự hợp tác giữa các chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư,...
Cổ đông
Hai cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mặc dù phần lớn các thành viên của Ngân hàng đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tiêu biểu là các nước công nghiệp hóa. Các ngân hàng phát triển trong khu vực thường làm việc hòa hợp với cả Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới trong các hoạt động của họ.
(Tài liệu tham khảo: adb.org, Investopedia, Wikipedia)