Siêu lạm phát (Hyperinflation) là gì? Nguyên nhân dẫn đến siêu lạm phát
Hình minh họa. Nguồn: bbc.com
Siêu lạm phát
Khái niệm
Siêu lạm phát trong tiếng Anh là Hyperinflation.
Siêu lạm phát là một thuật ngữ để mô tả sự tăng giá cả hàng hóa nhanh chóng, quá mức và ngoài tầm kiểm soát trong một nền kinh tế.
Mặc dù siêu lạm phát là tình trạng hiếm gặp đối với các nước có nền kinh tế phát triển, nó đã xảy ra nhiều lần trong suốt lịch sử ở các quốc gia như Trung Quốc, Đức, Nga, Hungary và Argentina.
Bản chất của siêu lạm phát
Siêu lạm phát xảy ra khi giá đã tăng hơn 50% mỗi tháng trong một tháng. Để so sánh, tỉ lệ lạm phát của Mỹ đo bằng chỉ số giá tiêu dùng thường dưới 2% mỗi năm. Siêu lạm phát khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp cần nhiều tiền hơn để mua sản phẩm do giá tăng cao hơn.
Trong khi lạm phát bình thường được đo lường theo mức tăng giá hàng tháng, siêu lạm phát có thể tăng tới 5 đến 10% một ngày.
Tác hại của siêu lạm phát
Nếu tiền lương không theo kịp siêu lạm phát trong nền kinh tế, mức sống của người dân sẽ giảm vì họ không đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản và chi phí sinh hoạt. Mọi người có thể tích trữ hàng hóa, bao gồm cả thực phẩm vì giá tăng, do đó tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung thực phẩm.
Khi giá tăng quá mức, tiền mặt hoặc tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng bị mất giá hoặc thành vô giá trị vì sức mua giảm đi rất nhiều. Tình hình tài chính của người tiêu dùng xấu đi và có thể dẫn đến phá sản.
Người dân có thể không đi gửi tiền dẫn đến các định chế tài chính, ngân hàng và người cho vay bị phá sản. Tiền thu thuế cũng giảm do người tiêu dùng và doanh nghiệp không thể trả tiền, dẫn đến việc chính phủ không thể cung ứng các dịch vụ cơ bản.
Nguyên nhân dẫn đến siêu lạm phát
Cung tiền tăng cao quá mức
Siêu lạm phát đã xảy ra trong thời kỳ suy thoái và khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Biện pháp đối phó với suy thoái thường là gia tăng cung tiền của ngân hàng trung ương để khuyến khích các ngân hàng cho vay tạo ra chi tiêu và đầu tư.
Tuy nhiên nếu cung tiền gia tăng không được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế, kết quả có thể dẫn đến siêu lạm phát. Lúc này doanh nghiệp tăng giá bán để tăng lợi nhuận và duy trì hoạt động. Người tiêu dùng đồng ý trả giá cao hơn vì lúc này họ có nhiều tiền hơn, dẫn đến lạm phát.
Khi nền kinh tế xấu đi, các công ty lại tăng giá, người tiêu dùng trả nhiều tiền hơn, ngân hàng trung ương thêm tiền, dẫn đến một vòng luẩn quẩn và siêu lạm phát.
Mất niềm tin
Siêu lạm phát thường xảy ra khi niềm tin vào đồng tiền của một quốc gia và khả năng duy trì giá trị tiền tệ của ngân hàng trung ương bị mất đi, ví dụ như trong thời chiến. Các công ty bán hàng hóa trong và ngoài nước yêu cầu một phần bù rủi ro để chấp nhận sử dụng đồng tiền bằng cách tăng giá hàng hóa.
Lúc này, mọi người bắt đầu tích trữ hàng hóa, khiến cho nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm. Đáp lại, chính phủ buộc phải in thêm tiền để cố gắng ổn định giá cả và tăng thanh khoản, điều này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề và dẫn đến siêu lạm phát.
(Theo investopedia.com)