|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Suy thoái (Recession) là gì? Nguyên nhân của suy thoái kinh tế

10:50 | 30/08/2019
Chia sẻ
Suy thoái (tiếng Anh: Recession) là một thuật ngữ kinh tế vĩ mô căn bản. Thuật ngữ này được sử dụng rất phổ biến và hay được nhắc tới trong thời gian gần đây.
recession-759

Hình minh họa. Nguồn: indianexpress.com

Suy thoái

Khái niệm

Suy thoái trong tiếng Anh là Recession.

Suy thoái kinh tế được định nghĩa như sau: "Suy thoái kinh tế là một thuật ngữ kinh tế vĩ mô dùng để chỉ sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế nói chung trong một khu vực nhất định". 

Tình trạng suy thoái kinh tế thường được ghi nhận sau hai quí suy giảm kinh tế liên tiếp hay nói rõ hơn là kinh tế tăng trưởng âm, được phản ánh bởi chỉ số GDP kết hợp với các chỉ số hàng tháng khác như việc làm. 

Suy thoái kinh tế có biểu hiện rất rõ trong sản xuất công nghiệp, việc làm, thu nhập thực tế và thương mại.

Nguyên nhân của suy thoái

Nhiều học thuyết kinh tế đã cố gắng giải thích nguyên nhân tại sao và cách thức một nền kinh tế chệch khỏi xu hướng tăng trưởng dài hạn và bước vào thời kì suy thoái tạm thời.  Những học thuyết này được phân loại rộng theo các yếu tố kinh tế thực tế, tài chính hoặc tâm lí, và một số học thuyết làm cầu nối giữa các học thuyết trên.

Một số nhà kinh tế tin rằng những thay đổi có thực và sự thay đổi cấu trúc trong các ngành là cách giải thích tốt nhất cho nguyên nhân và cách thức suy thoái kinh tế xảy ra. Ví dụ, khi giá dầu tăng đột ngột, kéo dài do khủng hoảng địa chính trị có thể dẫn tới chi phí của nhiều ngành tăng vọt hoặc sự xuất hiện của một công nghệ mới mang tính cách mạng có thể khiến toàn bộ các ngành khác trở nên lỗi thời.

Thuyết Chu kì Kinh doanh thực là ví dụ hiện đại tốt nhất cho những học thuyết này, giải thích suy thoái là phản ứng tự nhiên của những người tham gia lí trí trong thị trường đối với một hay nhiều cú sốc tiêu cực có ảnh hưởng thực, không lường trước được đối với nền kinh tế.

Một số học thuyết khác cho rằng suy thoái phụ thuộc vào các yếu tố tài chính. Các học thuyết này tập trung vào sự bùng nổ của tín dụng và rủi ro tài chính trong khoảng thời gian mà nền kinh tế đang tăng trưởng tốt trước một cuộc suy thoái, hoặc sự thắt chặt của tín dụng và tiền bạc trước thềm suy thoái, hoặc cả hai.

Các học thuyết dựa trên tâm lí học về suy thoái có xu hướng nhìn vào sự hưng phấn quá mức của thời kì bùng nổ của nền kinh tế trước đó hoặc sự bi quan sâu sắc trong môi trường suy thoái như giải thích tại sao suy thoái có thể xảy ra và thậm chí còn tồn tại. 

Học thuyết kinh tế của Keynes chính là ví dụ tiêu biểu của trường hợp này, vì nó chỉ ra rằng một khi suy thoái bắt đầu, vì bất kỳ lí do gì, khi tâm lí bầy đàn của các chủ thể trong nền kinh tế trở nên tiêu cực, các nhà đầu tư có thể tự xây dựng nên thực tế dựa theo kì vọng của họ về tâm lí bi quan của thị trường, điều này dẫn tới giảm thu nhập khiến cho chi tiêu sụt giảm.

(Theo investopedia.com)

Hằng Hà