|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lạm phát do cầu kéo (Demand-pull inflation) là gì? Nguyên nhân tình trạng dư cầu

10:08 | 05/09/2019
Chia sẻ
Lạm phát do cầu kéo (tiếng Anh: Demand-pull inflation) là lạm phát xảy ra do tổng cầu tăng, đặc biệt khi sản lượng đã đạt hoặc vượt quá mức tự nhiên.
EC8STrPU0AAviHy

Hình minh hoạ (Nguồn: twipu)

Lạm phát do cầu kéo

Khái niệm

Lạm phát do cầu kéo trong tiếng Anh được gọi là demand-pull inflation.

Lạm phát do cầu kéo là lạm phát xảy ra do tổng cầu tăng, đặc biệt khi sản lượng đã đạt hoặc vượt quá mức tự nhiên. 

Thực ra đây cũng là một cách định nghĩa về lạm phát dựa vào nguyên nhân gây ra lạm phát: lạm phát được coi là do sự tồn tại của một mức cầu quá cao. 

Theo lí thuyết này nguyên nhân của tình trạng dư cầu được giải thích do nền kinh tế chi tiêu nhiều hơn năng lực sản xuất. Tuy nhiên để cho định nghĩa này có sức thuyết phục thì cần phải giải thích tại sao chi tiêu lại liên tục lớn hơn mức sản xuất. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét các thành tố của tổng cầu.

Nguyên nhân của tình trạng dư cầu

- Thứ nhất, lạm phát có thể hình thành khi xuất hiện sự gia tăng đột biến trong nhu cầu về tiêu dùng và đầu tư. Chẳng hạn, khi có những làn sóng mua sắm mới làm tăng mạnh tiêu dùng, giá cả của những mặt hàng này sẽ tăng, làm cho lạm phát dâng lên và ngược lại. 

Tương tự, lạm phát cũng phụ thuộc vào sự biến động trong nhu cầu đầu tư: sự lạc quan của các nhà đầu tư làm tăng nhu cầu đầu tư và do đó đẩy mức giá tăng lên.

- Thứ hai, trong nhiều trường hợp, lạm phát thường bắt nguồn từ sự gia tăng quá mức trong các chương trình chi tiêu của chính phủ. Khi chính phủ quyết định tăng chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, thì mức giá sẽ tăng. 

Ngược lại, khi chính phủ quyết định cắt giảm các chương trình chi tiêu công cộng, hoặc các công trình đầu tư lớn đã kết thúc, thì mức giá sẽ giảm.

- Thứ ba, lạm phát cũng có nguyên nhân từ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu tác động tới lạm phát trong nước theo một cách khác: khi nhu cầu xuất khẩu tăng, lượng còn lại để cung ứng trong nước giảm và do vậy làm tăng mức giá trong nước. 

Ngoài ra, nhu cầu xuất khẩu và luồng vốn chảy vào cũng có thể gây ra lạm phát, đặc biệt trong chế độ tỉ giá hối đoái cố định  vì điều này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng lượng tiền cung ứng. Tình hình ngược lại sẽ xảy ra khi nhu cầu xuất khẩu và luồng vốn nước ngoài chảy vào giảm do nền kinh tế thế giới hay trong khu vực lâm vào suy thoái.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Lạm phát, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi