|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thẩm định bảo hiểm (Underwriting) là gì? Các bước thẩm định bảo hiểm

11:36 | 04/09/2019
Chia sẻ
Thẩm định bảo hiểm (tiếng Anh: Underwriting) là một quá trình phân loại, đánh giá và lựa chọn rủi ro của công ty bảo hiểm.
Everything-You-Need-to-Know-Before-Signing-Your-Employee-Medical-Insurance-Contract-2

Hình minh họa (Nguồn: davidho.sg)

Thẩm định bảo hiểm (Underwriting)

Khái niệm

Thẩm định bảo hiểm trong tiếng Anh là Underwriting.

Thẩm định bảo hiểm (Underwriting) là một quá trình phân loại, đánh giá và lựa chọn rủi ro của công ty bảo hiểm.

Thẩm định bảo hiểm có nhiệm vụ: nhận diện rủi ro, đánh giá rủi ro một cách chính xác vào đầy đủ; phân nhóm rủi ro một cách chính xác; từ đó ra các quyết định thẩm định (Underwriting decision) bao gồm chấp nhận hay từ chối yêu cầu bảo hiểm.

Các công ty bảo hiểm thường ban hành hướng dẫn thẩm định (Underwriting guidelines) nhằm qui định một cách cụ thể về qui trình và các tiêu chí thẩm định.

Các bước thẩm định bảo hiểm

Thẩm định bảo hiểm bao gồm hai bước cơ bản đó là xác định rủi ro và phân loại rủi ro.

Xác định rủi ro (Identify risks)

Trong các yêu cầu bảo hiểm các nguyên nhân hay sự kiện có thể dẫn tới tổn thất (Peril) thường được xác định một cách tương đối rõ ràng. Như vậy công đoạn xác định rủi ro trong thẩm định bảo hiểm chủ yếu tập trung vào xác định những nhân tố có thể ảnh hưởng tới khả năng phát sinh hoặc gia tăng tổn thất (Hazard) bao gồm nguy cơ vật chất (Physical hazard) và nguy cơ đạo đức (Moral hazard). 

Phân loại rủi ro (Classify risks)

Sau khi đánh giá rủi ro, bộ phận thẩm định sẽ xếp đối tượng tham gia bảo hiểm vào các nhóm rủi ro phù hợp. Nhóm rủi ro (Risk Class) được hiểu là nhóm các đối tượng được bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro đối với công ty bảo hiểm.

Mục đích của việc phân nhóm rủi ro là giúp cho công ty bảo hiểm tính toán đối tượng được bảo hiểm được đánh giá nằm trong các nhóm rủi ro khác nhau. Các đối tượng được bảo hiểm được đánh giá nằm trong các  nhóm rủi ro khác nhau sẽ được áp dụng cùng mức phí bảo hiểm khác nhau, các nhóm có mức độ rủi ro càng lớn mức phí bảo hiểm càng cao. 

Mỗi công ty bảo hiểm sẽ có các tiêu chí và cách thức phân nhóm rủi ro khác nhau. Các công ty bảo hiểm (đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ) thường xếp đối tượng được bảo hiểm vào một trong bốn nhóm rủi ro chính: Nhóm rủi ro chuẩn (The Standard Class); Nhóm rủi ro ưu tiên (Preferred Risk); Nhóm rủi ro dưới chuẩn (Substandard Class); Nhóm rủi ro loại trừ (The Declined Risk).

Ngoài ra thẩm định bảo hiểm còn có các bước không kém phần quan trọng khác:

Tính toán phí bảo hiểm và rủi ro tài chính (Acturial)

Bảo hiểm là ngành kinh doanh dựa trên cơ sở rủi ro, tất cả các vấn đề như tính toán phí bảo hiểm, ước lượng mức bồi thường dự kiến, trích lập dự phòng nghiệp vụ, xác định doanh thu, chi phí...đều được xác định trên cơ sở ước lượng rủi ro và các qui luật xác suất thống kê. 

Do vậy, nghiệp vụ tính phí bảo hiểm và tính toán rủi ro tài chính là nghiệp vụ rất đặc trưng, đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động của các công ty bảo hiểm.

Giải quyết quyền lợi bảo hiểm (Claim Administration)

Bộ phận đền bù bảo hiểm tiếp nhận yêu cầu bồi thường bảo hiểm của khách hàng, thẩm định và đánh giá mức thiệt hại thực tế xảy ra, tính toán mức đền bù phù hợp và thực hiện việc chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các đối tượng phù hợp theo hợp đồng bảo hiểm. 

Đền bù bảo hiểm cần thực hiện một cách chính xác và nhanh chóng nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Nhưng cũng cần thận trọng tính toán mức đền bù phù hợp và đặc biệt là phát hiện và điều tra các trường hợp có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

T.H