|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hao mòn tài sản cố định (Wear and Tear of Fixed Assets) là gì?

11:12 | 03/09/2019
Chia sẻ
Hao mòn tài sản cố định (tiếng Anh: Wear and Tear of Fixed Assets) là sự giảm dần hiệu quả và giá trị tài sản cố định dùng trong sản xuất trong quá trình sử dụng. Trong quá trình sử dụng, tài sản cố định luôn bị hao mòn dưới hai hình thức là hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình.
61594452_149584276181817_714444081886166712_n

Hình minh họa. Nguồn: authgram

Hao mòn tài sản cố định (Wear and Tear of Fixed Assets)

Định nghĩa

Hao mòn tài sản cố định trong tiếng Anh là Wear and Tear of Fixed Assets. Hao mòn tài sản cố định là sự giảm dần hiệu quả và giá trị tài sản cố định dùng trong sản xuất trong quá trình sử dụng.

(Theo Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Phân loại

Trong quá trình sử dụng, do nhiều nguyên nhân khác nhau tài sản cố định luôn bị hao mòn dưới hai hình thức:

- Hao mòn hữu hình

- Hao mòn vô hình

Hao mòn hữu hình

Khái niệm

Là sự hao mòn về mặt vật chất, về giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định trong quá trình sử dụng.

Về mặt vật chất, đó là sự thay đổi hình thức hay trạng thái vật lí ban đầu của các chi tiết, bộ phận tài sản cố định do các tác động của quá trình sử dụng hay môi trường tự nhiên.

Về giá trị sử dụng, đó là sự giảm sút về công dụng hay các tính năng kĩ thuật của tài sản cố định trong quá trình sử dụng và cuối cùng không còn sử dụng được nữa; muốn khôi phục lại giá trị sử dụng, phải tiến hành thay thế, sửa chữa.

Về giá trị, đó là sự giảm dần giá trị của tài sản cố định cùng với quá trình chuyển dịch dần từng phần giá trị hao mòn của nó vào giá trị sản phẩm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của hao mòn hữu hình trước hết là do các yếu tố liên quan đến quá trình sử dụng tài sản cố định như thời gian và cường độ sử dụng tài sản cố định; việc chấp hành các qui trình, qui phạm kĩ thuật trong sử dụng và bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định.

Tiếp đến là các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên và điều kiện sử dụng tài sản cố định như thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm không khí, tải trọng, tác động hóa chất... 

Ngoài ra, chất lượng nguyên vật liệu, trình độ kĩ thuật công nghệ chế tạo tài sản cố định cũng ảnh hưởng rất lớn đến mức độ hao mòn hữu hình của tài sản cố định trong quá trình sử dụng.

Hao mòn vô hình

Khái niệm

Là sự giảm sút thuần túy về giá trị của tài sản cố định, biểu hiện ở sự giảm sút giá trị trao đổi của tài sản cố định do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học - kĩ thuật và công nghệ sản xuất. Do tiến bộ khoa học - kĩ thuật và công nghệ sản xuất làm cho tài sản cố định cũ bị mất giá so với tài sản cố định mới.

Hao mòn vô hình cũng xảy ra khi sản phẩm bị chấm dứt chu kì sống của nó trên thị trường nên những tài sản cố định dùng để chế tạo các sản phẩm đó cũng không còn được tiếp tục sử dụng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của hao mòn vô hình là sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học - kĩ thuật và công nghệ sản xuất. Do đó, biện pháp chủ yếu để hạn chế hao mòn vô hình là các doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới, ứng dụng kịp thời các thành tựu tiến bộ khoa học - kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp.

Kết luận

- Về mặt kinh tế, hao mòn tài sản cố định dù xảy ra dưới hình thức nào cũng là sự tổn thất giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp. 

- Vì thế, trong quá trình sử dụng, các doanh nghiệp phải chú trọng áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tối đa những tổn thất do hao mòn tài sản cố định như: 

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định

+ Thực hiện tốt về chế độ bảo dưỡng, sửa chửa thường xuyên, định kì tài sản cố định để tránh các hư hỏng bất thường tài sản cố định, gây thiệt hại về ngừng sản xuất

+ Ứng dụng kịp thời các thành tựu tiến bộ khoa học - kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp.

- Đồng thời, khi tài sản cố định đã hết thời hạn sử dụng hoặc xét thấy việc sử dụng tài sản cố định cũ đã không còn kinh tế thì phải mạnh dạn thay thế, đổi mới nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định và vốn cố định của doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)

Minh Lan