|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tài sản cố định hữu hình (Tangible fixed assets) là gì? Điều kiện ghi nhận TSCĐ hữu hình

17:57 | 28/08/2019
Chia sẻ
Tài sản cố định hữu hình (tiếng Anh: Tangible fixed assets) là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.

Under Lease (3)

Hình minh họa

Tài sản cố định hữu hình (Tangible fixed assets)

Định nghĩa

Tài sản cố định hữu hình trong tiếng Anh là Tangible fixed assets. Tài sản cố định hữu hình (TSCĐ hữu hình) là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.

Các thuật ngữ liên quan

Tài sản cố định (Fixed Assets) là những tư liệu lao động thỏa mãn đồng thời ba điều kiện:

(1) Có giá trị lớn

(2) Thời gian sử dụng dài

(3) Trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất với tư cách là tư liệu lao động

Theo thông tư 45/2013/TT-BTC, các tư liệu lao động được coi là tài sản cố định phải có giá trị từ 30 triệu đồng và thời gian sử dụng trên một năm. Các tư liệu lao động không đủ các tiêu chuẩn trên được gọi là các công cụ lao động nhỏ, được mua sắm bằng nguồn vốn lưu động của doanh nghiệp.

Tài sản cố định bao gồm tài sản cố định hữu hìnhtài sản cố định vô hình.

Phân loại

Kế toán TSCĐ hữu hình được phân loại theo nhóm tài sản có cùng tính chất và mục đích sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm:

(a) Nhà cửa, vật kiến trúc

(b) Máy móc, thiết bị

(c) Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn

(d) Thiết bị, dụng cụ quản lí

(e) Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm

(f) TSCĐ hữu hình khác.Tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định hữu hình.

Tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình

Các tài sản được ghi nhận là TSCĐ hữu hình phải thỏa mãn đồng thời tất cả bốn tiêu chuẩn ghi nhận sau:

(a) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó

(b) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy

(c) Thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm

(d) Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo qui định hiện hành

Ý nghĩa

TSCĐ hữu hình thường là bộ phận chủ yếu trong tổng số tài sản và đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc xác định một tài sản có được ghi nhận là TSCĐ hữu hình hay là một khoản chi phí sản xuất, kinh doanh trong kì sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Nguyên lí kế toán, NXB Tài chính; Chuẩn mực kế toán số 03)

Minh Lan