|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity - VIE) là gì? Ví dụ và cách hoạt động

12:09 | 30/08/2019
Chia sẻ
Mô hình sở hữu đặc biệt (tiếng Anh: Variable Interest Entity, viết tắt: VIE) là một biến thể đặc biệt của mô hình công ty được các nhà quản lí doanh nghiệp sử dụng để đáp ứng nhu cầu của mình.
vie_variable-interest-entity

Hình minh hoạ. Nguồn: abbreviationfinder.org

Mô hình sở hữu đặc biệt

Khái niệm

Mô hình sở hữu đặc biệt trong tiếng Anh là Variable Interest Entity, viết tắt là VIE.

Mô hình sở hữu đặc biệt (VIE) dùng để chỉ một cấu trúc kinh doanh hợp pháp, trong đó một nhà đầu tư có lợi ích kiểm soát mặc dù không có đa số quyền biểu quyết. 

VIE cũng có thể đề cập đến một cấu trúc kế toán liên quan đến các nhà đầu tư vốn không có đủ nguồn lực để hỗ trợ các nhu cầu hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, VIE được sử dụng để bảo vệ doanh nghiệp khỏi các chủ nợ hoặc hành động pháp lí.

Một doanh nghiệp là người thụ hưởng chính của VIE phải công bố các tài sản của đơn vị VIE đó như một phần của bảng cân đối kế toán hợp nhất.

Cách VIE hoạt động

Các VIE thường được thành lập dưới dạng một công ty phục vụ mục đích đặc biệt để nắm giữ tài sản tài chính một cách thụ động, hoặc để tích cực tiến hành nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, một công ty có thể thành lập VIE để tài trợ cho một dự án mà không khiến toàn bộ doanh nghiệp gặp rủi ro.

Tuy nhiên, giống như các công ty phục vụ mục đích đặc biệt khác đã bị lạm dụng trong quá khứ, các VIE thường được sử dụng để giữ tài sản chứng khoán hoá khỏi bảng cân đối kế toán của công ty.

Các VIE cũng có thể được sử dụng với mục đích khác. Tại một vài quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm tham gia vào một số lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm. Do đó, để có thể vượt qua rào cản này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập các VIE để đảm bảo tính hợp pháp cho khoản đầu tư của mình.

(Theo: investopedia.com)

Ví dụ về VIE

Giả sử một công ty Mỹ muốn đầu tư vào một ngành cấm người nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc. Công ty Mỹ quyết định thành lập hai pháp nhân, một có trụ sở tại Mỹ và một có trụ sở tại Trung Quốc.

Tiếp theo, pháp nhân tại Trung Quốc kí hợp đồng với pháp nhân tại Mỹ, theo đó pháp nhân nước ngoài có quyền kiểm soát được hoạt động của pháp nhân tại Trung Quốc mà không nắm quyền sở hữu, đổi lại pháp nhân Trung Quốc sẽ được chia lợi nhuận. Cấu trúc này chính là VIE.

Sử dụng phương pháp này đã giúp cho công ty Mỹ được quyền kiểm soát có giới hạn công ty con ở Trung Quốc mà không cần phải sở hữu công ty đó. 

(Tham khảo: phuoc-partners.com)

Hằng Hà