|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Rủi ro lỗi thời (Obsolescence Risk) là gì? Ví dụ về rủi ro lỗi thời

13:59 | 09/12/2019
Chia sẻ
Rủi ro lỗi thời (tiếng Anh: Obsolescence Risk) là rủi ro rằng một qui trình, sản phẩm hoặc công nghệ do một công ty sản xuất hoặc sử dụng sẽ trở nên lỗi thời, và do đó không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường.
OnlinePaper

Hình minh họa. Nguồn: onlinenewspapers.info

Rủi ro lỗi thời

Khái niệm

Rủi ro lỗi thời trong tiếng Anh là Obsolescence Risk.

Rủi ro lỗi thời là rủi ro rằng một qui trình, sản phẩm hoặc công nghệ do một công ty sản xuất hoặc sử dụng sẽ trở nên lỗi thời, và do đó không còn khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty.

Rủi ro lỗi thời đặc biệt quan trọng đối với các công ty công nghệ hoặc các công ty có sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên lợi thế công nghệ.

Một công ty công nghệ là một công ty tập trung chủ yếu vào phát triển, sản xuất và bán công nghệ. Ví dụ: Apple, IBM, Oracle và Lenovo là các công ty công nghệ.

Rủi ro lỗi thời ảnh hưởng đến mọi công ty theo những mức độ khác nhau, và là một tác dụng phụ cần thiết của một nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. Rủi ro này xuất hiện, ví dụ, khi một công ty cần quyết định nên đầu tư bao nhiêu vào công nghệ mới. Liệu rằng loại công nghệ này có duy trì được tính vượt trội  đủ lâu để xứng đáng với số tiền bỏ ra? Hay nó sẽ nhanh chóng lỗi thời khiến công ty phí tiền?

Rủi ro lỗi thời cũng khiến các công ty muốn duy trì khả năng cạnh tranh và có lợi nhuận cần phải sẵn sàng cho các khoản chi phí vốn lớn bất cứ khi nào một sản phẩm, dịch vụ hoặc yếu tố sản xuất chính của nó trở nên lỗi thời.

Ví dụ về rủi ro lỗi thời

Công ty xuất bản là một ví dụ về một công ty phải đối mặt với rủi ro lỗi thời. Khi máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh trở nên phổ biến và rẻ hơn, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu đọc tạp chí, báo và sách trên các thiết bị này thay vì ở dạng bản in.

Để duy trì tính cạnh tranh, công ty xuất bản phải giảm thiểu đầu tư vào các ấn phẩm giấy như cũ và tối đa hóa khoản đầu tư vào công nghệ mới. Ngay cả khi thực hiện sự thay đổi này, công ty vẫn phải cảnh giác với các công nghệ mới có thể thay thế các cách đọc phổ biến hiện nay và vẫn cần được đầu tư thêm.

Thị trường chứng khoán tràn ngập những công ty đã dừng hoạt động do sản phẩm hoặc công nghệ của chúng đã trở nên lỗi thời. Ví dụ là công ty công nghệ Kiểm soát dữ liệu và thiết bị kỹ thuật số vốn từng thuộc danh sách khuyến nghị mua của Morgan Stanley năm 1982.

(Theo investopedia)

Giang