|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Sự hủy diệt mang tính sáng tạo (Creative Destruction) là gì? Ví dụ về sự hủy diệt mang tính sáng tạo

15:27 | 25/09/2019
Chia sẻ
Sự hủy diệt mang tính sáng tạo (tiếng Anh: Creative Destruction) là thuật ngữ chỉ quá trình cái mới ra đời giết chết những cái cũ, lỗi thời.
Creative-Destruction

Hình minh họa. Nguồn: marketbusinessnews.com

Sự hủy diệt mang tính sáng tạo

Khái niệm

Sự hủy diệt mang tính sáng tạo trong tiếng Anh là Creative Destruction.

Sự hủy diệt mang tính sáng tạo là việc dỡ bỏ các hoạt động thường lệ đã tồn tại từ lâu để mở đường cho sự đổi mới.

Thuật ngữ sự hủy diệt mang tính sáng tạo được đặt ra bởi nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter vào năm 1942. Nó thường được sử dụng để mô tả những đổi mới trong qui trình sản xuất làm tăng năng suất, nhưng cũng được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác.

Các nhà kinh tế thường sử dụng nó để thể hiện bản chất thiết yếu của chủ nghĩa tư bản như một động lực không ngừng hướng tới sự tiến bộ.

Lí thuyết về sự hủy diệt mang tính sáng tạo cho rằng các giả định và các dàn xếp lâu đời phải bị phá hủy để giải phóng tài nguyên và năng lượng nhằm phục vụ cho đổi mới.

Lí thuyết sự hủy diệt mang tính sáng tạo coi kinh tế là một quá trình hữu cơ và năng động, trong đó trạng thái cân bằng không phải là mục tiêu cuối cùng của các quá trình thị trường. Các động lực trong thị trường liên tục được định hình hoặc thay thế bởi sự đổi mới và cạnh tranh.

Quá trình hủy diệt mang tính sáng tạo chắc chắn sẽ tạo ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Các doanh nhân và công nhân trong các ngành công nghệ mới sẽ tạo ra sự mất cân bằng và các cơ hội lợi nhuận mới. Các nhà sản xuất và công nhân gắn với công nghệ cũ hơn sẽ bị bỏ lại.

Các ví dụ về sự hủy diệt mang tính sáng tạo

Dây chuyền lắp ráp của Henry Ford đã cách mạng hóa việc sản xuất ô tô và nhiều ngành sản xuất khác, nhưng nó cũng thay thế các thị trường cũ và khiến nhiều lao động mất việc.

Internet có lẽ là ví dụ bao quát nhất về sự hủy diệt mang tính sáng tạo trong thời đại chúng ta. Những người thua cuộc không chỉ là nhân viên bán lẻ và các chủ cửa hàng, mà còn là giao dịch viên ngân hàng, thư kí, đại lí du lịch và tài xế taxi.

Những người chiến thắng, ngoài các lập trình viên, có thể cũng đông không kém những người thất bại. Ngành công nghiệp giải trí đã bị đảo lộn bởi internet, nhưng nhu cầu về tài năng và sản phẩm sáng tạo vẫn như cũ hoặc thậm chí còn tăng lên. Internet đã phá hủy nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng tạo ra nhiều doanh nghiệp mới trực tuyến.

Ý nghĩa cốt lõi của sự hủy diệt mang tính sáng tạo là quá trình tiến hóa thưởng cho những cải tiến, đổi mới và trừng phạt những cách thức phân phối tài nguyên kém hiệu quả hơn. 

(Theo investopedia)

Hằng Hà