Rủi ro tích cực của dự án (Positive Risk) là gì?
Rủi ro tích cực (Positive Risk) (Nguồn: Prince2)
Rủi ro tích cực (Positive Risk)
Rủi ro tích cực - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Positive Risk.
Rủi ro tích cực là bất kì điều kiện, sự kiện, sự cố hoặc tình huống có thể mang lại tác động tích cực cho dự án. Cách đơn giản để xác định rủi ro tích cực tương tự như cách xác định rủi ro tiêu cực, đó là làm việc với nhóm dự án để đưa ra danh sách các cơ hội có thể đến từ những rủi ro của dự án.
Rủi ro tích cực là một phần của quản lí dự án đầu tư. Tất cả các dự án đều có những yếu tố rủi ro, thậm chí có những dự án có rủi ro cao. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng rủi ro là tiêu cực, tuy nhiên rủi ro là một cách để phòng ngừa khả năng thất bại hoặc nguy hiểm. Rủi ro có thể có kết quả tích cực, cả trong cuộc sống và các dự án đầu tư. Đôi khi rủi ro lại thực sự là một cơ hội. (Theo Project Manager)
Giải pháp xử lí rủi ro tích cực
Trong dự án đầu tư, rủi ro không nhất thiết là gây ra các nguy cơ cho việc thực hiện các mục tiêu dự án. Rủi ro còn có thể tạo ra các cơ hội. Do đó, việc kiểm soát rủi ro gắn liền với cả việc tăng cường các cơ hội gắn với rủi ro. Đối với rủi ro tích cực, nhóm dự án có thể sử dụng ba nhóm giải pháp xử lí rủi ro tích cực như sau:
Nhóm giải pháp khai thác cơ hội
Khi nhận ra các cơ hội, nhóm dự án cần nắm bắt và khai thác các cơ hội từ rủi ro. Chẳng hạn, khi nhóm dự án áp dụng công nghệ thông tin trong quản trị dự án, cơ hội là công nghệ thông tin có thể làm tăng hiệu quả của nhóm dự án, tuy nhiên nó có thể gây ra việc tăng chi phí dự án. Những rủi ro dạng này thường mang lại hiệu quả hơn là hậu quả tiêu cực tới dự án.
Nhóm giải pháp tăng cường cơ hội
Nhóm dự án xác định và tăng tối đa có thể có động lực tạo ra tác động tích cực của rủi ro. Chẳng hạn, để hoàn thiện công việc trước yêu cầu của tiến độ, nhóm dự án có thể gia tăng các nguồn lực con người hoặc vật lực để đẩy nhanh tiến độ của công việc đó.
Nhóm giải pháp chia sẻ cơ hội
Nhóm dự án chia sẻ cơ hội bằng cách chia sẻ rủi ro với một bên thứ ba có năng lực nắm bắt cơ hội của dự án. Ví dụ như việc kí hợp đồng hợp tác với bên thứ ba với một gói dự án mới có thể giúp chia sẻ rủi ro xảy ra trong việc thực hiện dự án, đồng thời các lợi ích cũng được chia sẻ. (Theo Giáo trình Kiểm soát, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)