|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quyền lợi có thể được bảo hiểm (Insurable interest) là gì?

18:12 | 30/09/2019
Chia sẻ
Quyền lợi có thể được bảo hiểm (tiếng Anh: Insurable interest) là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm.
Insurable-interest

Hình minh họa. Nguồn: sleadas

Quyền lợi có thể được bảo hiểm (Insurable interest)

Định nghĩa

Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong tiếng Anh là Insurable interest. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến, gắn liền với, hay phụ thuộc vào sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm.

Nội dung nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm

- Nguyên tắc này yêu cầu người tham gia bảo hiểm phải có lợi ích tài chính bị tổn thất nếu đối tượng được bảo hiểm gặp rủi ro. 

Nói cách khác, người tham gia bảo hiểm phải có một số quan hệ với đối tượng được bảo hiểm và được pháp luật công nhận. 

- Mối quan hệ có thể biểu hiện qua quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản, quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. 

Cần chú ý rằng khi quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với tài sản được bảo hiểm thuộc hai chủ thể khác nhau thì vấn đề sẽ phức tạp hơn. 

Trong trường hợp này, cả chủ sở hữu và chủ sử dụng đều có quyền lợi được bảo hiểm.

Ví dụ, chủ xưởng sửa chữa ôtô có quyền hợp pháp khi tham gia bảo hiểm cho chiếc xe ôtô mà anh ta đang đảm nhận sửa chữa. Đó là quyền chiếm hữu. Đồng thời chủ xe ôtô cũng có thể tham gia bảo hiểm cho chiếc xe này.

- Nguyên tắc về quyền lợi có thể được bảo hiểm nhằm loại bỏ khả năng bảo hiểm cho tài sản của người khác, hoặc cố tình gây thiệt hại hoặc tổn thất để thu lợi từ một đơn bảo hiểm.

Áp dụng nguyên tắc quyền lợi có thể hưởng bảo hiểm

- Nguyên tắc quyền lợi có thể hưởng bảo hiểm chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm.

- Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Cụ thể:

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ:

+ Trong bảo hiểm tài sản, người mua bảo hiểm có một số liên hệ với đối tượng bảo hiểm được pháp luật công nhận. Mối liên hệ đầu tiên được pháp luật công nhận là: chủ sở hữu. Mối liên hệ thứ hai là quyền lợi và trách nhiệm trước tài sản đó. 

Ví dụ, một người có quyền lợi bảo hiểm đối với đồ vật người đó mượn bởi vì nếu chúng bị mất hoặc bị hư hại, người đó sẽ phải thực hiện thay thế, sửa chữa, đền tiền hay khôi phục lại.

+ Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự: quyền lợi bảo hiểm phải căn cứ theo qui định của luật pháp về ràng buộc trách nhiệm dân sự.

Đối với bảo hiểm nhân thọ:

+ Theo quan điểm mới về quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ, có thể hiểu một cách chung nhất: Quyền lợi có thể được bảo hiểm là mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm.

Trong đó, rủi ro xảy ra với người được bảo hiểm sẽ gây tổn thất, thiệt hại về tài chính hoặc tinh thần đối với bên mua bảo hiểm.

+ Theo đó có thể thấy: Mọi cá nhân đều có quyền lợi bảo hiểm không giới hạn đối với tính mạng của chính mình, do vậy họ có thể bảo hiểm tính mạng của mình với bất cứ giá trị nào mong muốn, miễn là có đủ tiền đóng phí bảo hiểm.

+ Quyền lợi bảo hiểm cũng tồn tại đối với cha/mẹ, vợ/chồng, con cái, anh/chị/em của người đó hoặc những người có trách nhiệm nuôi dưỡng hoặc giám hộ hợp pháp của người đó.

+ Quyền lợi có thể được bảo hiểm cũng tồn tại đối với bên mua bảo hiểm là tổ chức trong các trường hợp: Một tổ chức mua bảo hiểm cho người lao động đang làm việc cho tổ chức đó; các tổ chức tín dụng, ngân hàng mua bảo hiểm cho những khách hàng vay tiền của ngân hàng, tổ chức tín dụng đó.

Để đảm bảo nguyên tắc này, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải kiểm tra giữa người tham gia bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm có tồn tại quyền lợi có thể được bảo hiểm theo nguyên tắc và theo qui định của hợp đồng bảo hiểm đó hay không.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Bảo hiểm, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Các nguyên tắc trong bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt)

Minh Lan