Nguyên tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm là gì?
Hình minh họa
Nguyên tắc số đông bù số ít
Định nghĩa
Nguyên tắc số đông bù số ít đảm bảo rằng hậu quả của rủi ro xảy ra đối với một hoặc một số ít người sẽ được bù đắp bằng số tiền huy động được từ rất nhiều người có khả năng cùng gặp rủi ro như vậy.
Đặc trưng của nguyên tắc số đông bù số ít
- Thông qua việc huy động đủ số phí cần thiết để giải quyết chi trả, bồi thường cho các tổn thất có thể xảy ra trong cộng đồng những người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đang thực hiện việc bù trừ rủi ro theo qui luật số lớn.
- Theo nguyên tắc số đông bù số ít, càng nhiều người tham gia bảo hiểm thì quĩ bảo hiểm tích tụ được càng lớn, việc chi trả càng trở nên dễ dàng hơn, rủi ro được san sẻ cho nhiều người hơn. Đây là nguyên tắc căn bản hình thành nên bất kì một nghiệp vụ bảo hiểm thương mại nào.
Ngoại lệ của nguyên tắc số đông bù số ít
- Thông thường, một nghiệp vụ bảo hiểm chỉ có thể được triển khai khi trên thị trường bảo hiểm có nhiều nhu cầu về cùng một loại bảo đảm.
- Mặc dù vậy, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Đó là khi có sự hấp dẫn lớn về lợi nhuận trong việc cung cấp một bảo hiểm nào đó trên thị trường, dù cho không có đủ số đông người tham gia bảo hiểm đó.
- Lúc này, DNBH vừa phải đánh giá được rằng xác suất xảy ra rủi ro được bảo hiểm là không cao, vừa phải cân nhắc đến năng lực tài chính của chính doanh nghiệp và đảm bảo thực hiện được nguyên tắc phân tán rủi ro một cách triệt để. Bảo hiểm vệ tinh ở thị trường bảo hiểm Việt Nam là một ví dụ điển hình của ngoại lệ này.
Ví dụ
Gói bảo hiểm vệ tinh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam cung cấp sự bảo vệ cho người được bảo hiểm khi xảy ra một trong các tổn thất sau:
(1) Các tổn thất vật chất của vệ tinh trong quá trình phóng và vận hành trên quĩ đạo
(2) Các tổn thất của bên thứ ba do hoạt động của vệ tinh gây ra
(3) Các tổn thất về doanh thu do vệ tinh bị thiệt hại
Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chỉ mới có hai vệ tinh địa tĩnh là VINASAT 1 (phóng thành công năm 2008) và VINASAT 2 (phóng thành công năm 2012). Do đó bảo hiểm vệ tinh ở Việt Nam hiển nhiên là chỉ có được hai hợp đồng bảo hiểm mỗi năm, không thể đảm bảo đủ số lớn để hình thành một nghiệp vụ bảo hiểm trên thị trường.
Tuy nhiên, với sức hấp dẫn của khoản doanh thu phí không hề nhỏ từ bảo hiểm này, với tính toán xác suất rủi ro được bảo hiểm và việc thực hiện phân tán rủi ro qua cả đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm, bảo hiểm vệ tinh được liên doanh bảo hiểm gốc là Công ty bảo hiểm cổ phần Bưu điện (PTI) và Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo hiểm Bảo Việt) thực hiện cung cấp trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị rủi ro & Bảo hiểm thương mại, Tổ hợp giáo dục Topica)