|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nguyên nhân gần (Proximate Cause) là gì? Nội dung nguyên tắc trong bảo hiểm

18:21 | 30/09/2019
Chia sẻ
Nguyên nhân gần (tiếng Anh: Proximate Cause) không nhất thiết là nguyên nhân đầu tiên hay là nguyên nhân cuối cùng mà chỉ cần là nguyên nhân chi phối (nguyên nhân chủ động).
Sixteen (10)

Hình minh họa. Nguồn: Study.com

Nguyên nhân gần (Proximate Cause)

Định nghĩa

Nguyên nhân gần trong tiếng Anh là Proximate CauseNguyên nhân gần là nguyên nhân chủ động, hữu hiệu và chi phối sự việc dẫn đến tổn thất cho đối tượng được bảo hiểm.

Học thuyết về nguyên nhân gần cho rằng, các tổn thất của tài sản chỉ được bồi thường nếu đó là tổn thất trực tiếp do rủi ro được bảo hiểm gây ra.

Theo định nghĩa cổ điển từ năm 1907, nguyên nhân gần gây tổn thất là nguyên nhân có hiệu lực, chủ động tạo thành chuỗi các sự kiện dẫn đến một hậu quả mà không cần có sự can thiệp của bất kì một lực nào được bắt đầu và hoạt động chủ động từ một nguồn mới và độc lập.

"Gần" ở đây cần được hiểu là gần nhất về tác động hiệu lực chứ không nhất thiết gần nhất về mặt thời gian.

(Bland, 1993) giải thích, nguyên nhân gần không nhất thiết là nguyên nhân đầu tiên hay là nguyên nhân cuối cùng mà chỉ cần là nguyên nhân chi phối (nguyên nhân chủ động).

Nội dung nguyên tắc nguyên nhân gần

Nguyên tắc nguyên nhân gần được cụ thể hóa thành các trường hợp:

(1) Nếu rủi ro được bảo hiểm và các rủi ro không được bảo hiểm (tức là các rủi ro không được nhắc đến) hoạt động đồng thời, thì rủi ro được bảo hiểm là nguyên nhân gần.

(2) Nếu rủi ro được bảo hiểm hoạt động đồng thời với một rủi ro bị loại trừ và tác động của cả hai rủi ro đó không thể tách bạch được với nhau thì rủi ro loại trừ được coi là nguyên nhân gần.

(3) Nếu tổn thất phát sinh từ một loạt các rủi ro liên tiếp, rủi ro cuối cùng là nguyên nhân gần trừ phi nguyên nhân trước đó thiết lập một chuỗi trực tiếp các hậu quả trong đó nguyên nhân cuối cùng chỉ là ngẫu nhiên bất ngờ và kết cục có thể xảy ra đương nhiên là do nguyên nhân trước đó.

Nếu nguyên nhân trước đó là một rủi ro bị loại trừ thì bảo hiểm không có trách nhiệm. 

Nếu nguyên nhân trước là một rủi ro được bảo hiểm và không có sự gián đoạn trong chuỗi các sự kiện thì người bảo hiểm sẽ phải có trách nhiệm vì rủi ro được bảo hiểm sẽ là "có tác động hiệu lực gần nhất". Lúc này, rủi ro "gần" về mặt thời gian không có ý nghĩa quyết định.

Ví dụ

Ví dụ 1: Tổn thất trực tiếp do cháy bao gồm cả các thiệt hại về tài sản do nước hoặc do hóa chất mà đã được sử dụng để dập lửa.

Vì trong trường hợp này, mặc dù tổn thất phát sinh từ tác động của nước hay hóa chất dập lửa nhưng tổn thất đó bắt đầu bởi cháy, với chuỗi kéo theo là nước và hóa chất. 

Cháy là nguyên nhân có tác động chi phối nhất, tác động có hiệu lực nhất (dù không phải là nguyên nhân gần về mặt thời gian). Như vậy, tổn thất do hóa chất hoặc nước dùng để cứu hỏa cũng sẽ được bảo hiểm trong đơn bảo hiểm cháy căn cứ vào học thuyết nguyên nhân gần.

Ví dụ 2: Theo vụ xử kiện giữa Marsden và City and County Insurance Co (1866), đơn bảo hiểm các tấm kính mỏng có loại trừ tổn thất do cháy. Kính vỡ do một đám đông lộn xộn ồn ào đang xem một đám cháy ở một khu vực kế bên cạnh.

Trong trường hợp này, công ty bảo hiểm vẫn phải bồi thường tổn thất vì đây không phải là tổn thất loại trừ (vì không phải do cháy). Tai nạn hoặc sự kiện tạo thuận lợi dẫn đến tổn thất (đám cháy) phải được phân biệt với tai nạn hoặc sự kiện gây ra tổn thất (hành động của đám đông). Cháy là không phải là nguyên nhân gần gây tổn thất.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Bảo hiểm, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Minh Lan