Chấp nhận rủi ro (Risk Acceptance) là gì? Phân loại và đặc trưng
Hình minh họa
Chấp nhận rủi ro (Risk Acceptance)
Định nghĩa
Chấp nhận rủi ro trong tiếng Anh là Risk Acceptance. Chấp nhận rủi ro còn được gọi là giữ lại rủi ro hay lưu giữ tổn thất (Risk Retention).
Chấp nhận rủi ro là hình thức chấp nhận chịu đựng tổn thất theo hậu quả tài chính trực tiếp.
Đặc trưng của chấp nhận rủi ro
- Nguồn bù đắp rủi ro là nguồn tự có của chính tổ chức đó, cộng thêm với nguồn vay mượn mà tổ chức đó phải có trách nhiệm hoàn trả.
- Phương pháp lưu giữ rủi ro có thể là thụ động hoặc chủ động, có kế hoạch hoặc không có kế hoạch, có ý thức hoặc không có ý thức.
Phân loại
(1) Chấp nhận rủi ro thụ động
- Chấp nhận rủi ro thụ động là cách quản lí rủi ro gắn liền với thái độ không có sự chuẩn bị trước hoặc chuẩn bị không đầy đủ cho việc khắc phục hậu quả rủi ro.
- Nhìn chung, thái độ này có thể là do chủ thể gặp rủi ro có nhận thức rất hạn chế về rủi ro và quản trị rủi ro; hoặc có thể do khả năng tài chính không đủ để thực hiện các biện pháp khác tốt hơn.
- Chấp nhận rủi ro thụ động thường thể hiện qua việc tham gia cách có ý thức vào một hoạt động nhưng không nhận thức được hoạt động đó có thể gặp rủi ro; hoặc tin tưởng một cách thiếu hiểu biết là hoạt động đó không có rủi ro; hoặc đôi khi có nhận thức được rủi ro từ hoạt động nhưng lại đánh giá quá thấp mức độ tổn thất có thể đối mặt.
- Khi chấp nhận rủi ro thụ động, cách tài trợ tổn thất thường thấy là dựa vào cứu trợ, giúp đỡ tài chính hoặc đi vay mượn.
Đối với các doanh nghiệp, đôi khi họ lấy từ chính doanh thu hiện tại để bù đắp cho tổn thất giữ lại thụ động và sẽ làm giảm lợi nhuận trong năm có tổn thất.
- Chấp nhận rủi ro một cách thụ động rõ ràng không phải là biện pháp tốt ngay từ bản chất "thụ động" của nó. Một khi tổn thất đã xảy ra thì người gánh chịu tổn thất cần có ngay một khoản tiền để bù đắp và khắc phục khó khăn tài chính, và thậm chí để hạn chế được các tổn thất có thể phát sinh thêm.
(2) Chấp nhận rủi ro chủ động
- Chấp nhận rủi ro chủ động là trường hợp nhận thức được rủi ro có thể xảy ra nhưng chấp nhận tham gia vào hoạt động, môi trường có thể gặp rủi ro và có kế hoạch khắc phục hậu quả khi tổn thất xảy ra.
- Các biện pháp chấp nhận rủi ro một cách chủ động có thể kể đến là tiết kiệm của cá nhân và hộ gia đình; lập quĩ dự trữ dự phòng của các tổ chức, các doanh nghiệp; lập công ty bảo hiểm nội bộ; tự bảo hiểm; lập hội chung để cùng gánh chịu rủi ro.
- Các biện pháp này được đánh giá cao hơn nhiều so với chấp nhận rủi ro thụ động. Tuy nhiên, khi sử dụng các biện pháp này, nguồn vốn bị coi là không được sử dụng một cách tối ưu; các quĩ tự lập có thể không đảm bảo đủ để bù đắp thiệt hại có thể phải gánh chịu.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị rủi ro, Tổ hợp giáo dục Topica)