|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phương pháp phân bổ trực tiếp là gì? Cách thức thực hiện

09:51 | 18/06/2020
Chia sẻ
Theo phương pháp phân bổ trực tiếp người ta dựa vào việc phân tích mối quan hệ giữa loại chi phí kinh doanh chung cụ thể phát sinh và đối tượng phân bổ để tìm ra chìa khoá phân bổ thích hợp.
Phương pháp phân bổ trực tiếp là gì? Cách thức thực hiện - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: waspbarcode)

Phương pháp phân bổ trực tiếp

Khái niệm

Phương pháp phân bổ trực tiếp là một trong các phương pháp phân bổ chi phí kinh doanh chủ yếu.

Theo phương pháp phân bổ trực tiếp người ta dựa vào việc phân tích mối quan hệ giữa loại chi phí kinh doanh chung cụ thể phát sinh và đối tượng phân bổ để tìm ra chìa khoá phân bổ thích hợp. 

Cách thức thực hiện

Trên cơ sở chìa khoá phân bổ đã xác định đó mà thực hiện từng phép phân bổ cụ thể. Quá trình phân bổ có tính đến sự phân bổ cho các kết quả mà các điểm chi phí trao đổi cho nhau.

Sơ đồ dưới đây mô tả mối quan hệ cung cấp kết quả giữa bộ phận Sửa chữa của doanh nghiệp (điểm chi phí sửa chữa) và bộ phận Sản xuất khuôn mẫu của doanh nghiệp (điểm chi phí khuôn mẫu). 

Phương pháp phân bổ trực tiếp là gì? Cách thức thực hiện - Ảnh 2.

Phân bổ trực tiếp giữa các điểm chi phí

Trong thực tế cung cấp dịch vụ lẫn nhau sẽ có:

- Khi máy móc thiết bị, tài sản cố định ở bộ phận sản xuất khuôn mẫu hư hỏng; bộ phận Sửa chữa có nhiệm vụ sửa chữa chúng. Như thế, bộ phận sửa chữa cung cấp các dịch vụ sửa chữa lớn, vừa và nhỏ cho bộ phận khuôn mẫu.

- Khi bộ phận sửa chữa cần có khuôn mẫu phục vụ cho công việc sửa chữa của mình; bộ phận sản xuất khuôn mẫu có nhiệm vụ cung cấp cho bộ phận sửa chữa.

Người ta căn cứ vào quan hệ trực tiếp mà điểm chi phí sửa chữa cung cấp cho điểm chi phí khuôn mẫu để phân bổ chi phí kinh doanh phát sinh từ điểm chi phí sửa chữa cho điểm chi phí khuôn mẫu. 

Ngược lại, người ta lại căn cứ vào kết quả dịch vụ mà điểm chi phí khuôn mẫu cung cấp cho điểm chi phí sửa chữa để phân bổ chi phí kinh doanh phát sinh từ điểm chi phí khuôn mẫu cho điểm chi phí sửa chữa.

Đặc điểm

Tuy nhiên, khác với phương pháp phân bổ đại số, ở phương pháp phân bổ trực tiếp bạn hãy nghĩ đến việc phân bổ từng loại chi phí kinh doanh chung phát sinh chứ không tính tổng thể các loại chi phí kinh doanh chung phát sinh cho từng đối tượng được phân bổ chi phí kinh doanh như điểm chi phí, bán thành phẩm hoặc dịch vụ. 

Với mỗi loại chi phí kinh doanh chung phát sinh bạn hãy phân tích mối quan hệ giữa chúng với đối tượng cần phân bổ để tìm chìa khoá phân bổ thích hợp. Sau đó, bạn hãy phân bổ trên cơ sở chìa khoá phân bổ mà bạn đã lựa chọn.

Về nguyên tắc, tính phức tạp của phương pháp phân bổ trực tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn chia nhỏ các loại chi phí kinh doanh đến mức độ nào: càng phân chia chi phí kinh doanh thành nhiều loại cụ thể bao nhiêu, bạn sẽ càng phải lựa chọn nhiều chìa khoá phân bổ và thực hiện nhiều phép phân bổ bấy nhiêu song cũng đem lại độ chính xác càng cao bấy nhiêu và ngược lại.

Mặt khác, vấn đề là ở chỗ, chi phí kinh doanh phát sinh để tạo ra kết quả mà điểm chi phí phụ cung cấp cho điểm chi phí chính bao giờ cũng phải phân bổ song không phải lúc nào cũng cần phân bổ chi phí kinh doanh phát sinh ở các điểm chi phí phụ hoặc ở các điểm chi phí chính cho nhau.

Phương pháp phân bổ trực tiếp có ưu điểm rất lớn là không quá phức tạp như phương pháp phân bổ đại số song lại đem lại kết quả tương đối chính xác. 

Vì thế, phương pháp phân bổ trực tiếp đang được áp dụng khá phổ biến. Khi phân bổ chi phí kinh doanh chung sơ cấp (phát sinh ban đầu) trong bảng tính chi phí kinh doanh người ta hay sử dụng phương pháp phân bổ này.

(Tài liệu tham khảo: Thiết kế các điểm chi phí trong doanh nghiệp, Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi