|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt là gì? Hạn chế và lợi ích

10:42 | 12/12/2019
Chia sẻ
Lí thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt giúp thúc đẩy những hoạt động kinh tế đang đình trệ và làm nhẹ gánh nặng của ngân sách. Việc mở mang những hoạt động kinh tế sẽ tạo thêm nhiều việc làm, do vậy ngân sách sẽ bớt được những khoản chi chuyển nhượng.
AdobeStock_120778172

Hình minh hoạ (Nguồn: propelnonprofits)

Lí thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt

Khái niệm

Lí thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt cho rằng khi kinh tế suy thoái nhà nước cần tránh tiết kiệm chi tiêu hoặc/ và tăng thuế (những hành động kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, và càng làm cho nền kinh tế khó thoát khỏi suy thoái hơn) và tránh bằng cách cố ý hi sinh sự cân bằng của Ngân sách Nhà nước.  

Hơn thế nữa phải sử dụng sự mất cân bằng của ngân sách nhà nước để góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kì suy thoái trên cơ sở chi tiêu ngân sách hoặc/ và giảm thuế để kích cầu.

Trong đời sống của một nước, kinh tế quyết định tài chính, còn tài chính có tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế. 

Lí thuyết cổ điển đã chỉ ra, muốn thăng bằng ngân sách trong giai đoạn suy thoái thì hoặc giảm chi hoặc tăng thu. Hai phương pháp khắc phục này chỉ ảnh hưởng vào nền kinh tế như hai cái "máy hãm", khiến cho nền kinh tế đã trì trệ lại càng trì trệ hơn. 

Để tránh ảnh hưởng kìm hãm đó, người ta đã hi sinh thăng bằng ngân sách, chi tiêu ra nhiều hơn để gây và khơi mào cho sự phục hồi kinh tế. 

Giáo sư Barrere đã mô tả thuyết này: Đem đối lập với sự mất thăng bằng kinh tế một sự bất thăng bằng tài chính Ngược hướng.

Hạn chế và lợi ích

- Hạn chế

Có thể nói, tác động xấu và nguy hại nhất của chính sách này là nạn lạm phát. Bởi vì muốn có tiền để tài trợ cho những chương trình trong giai đoạn kinh tế suy thoái, Nhà nước có thể in thêm giấy bạc.

- Lợi ích

Mặc dù thực thi thuyết này có thể gây hiểm hoạ cho nền kinh tế, nhưng sự thúc đẩy những hoạt động kinh tế đang đình trệ sẽ làm nhẹ gánh nặng của ngân sách. Việc mở mang những hoạt động kinh tế sẽ tạo thêm nhiều việc làm, do vậy ngân sách sẽ bớt được những khoản chi chuyển nhượng.

Hơn nữa, trong nền kinh tế đang phát triển, đánh thuế luỹ tiến sẽ thu hút phần lớn hơn những khoản lợi tức cao. Ngân sách bơm tiền ra, có ảnh hưởng đối với nền kinh tế như là một động cơ phụ. 

Khi nền kinh tế đã phục hồi trở lại thì Chính phủ phải để cho nó tự vận hành và có thể để cho động cơ phụ này nghỉ hoạt động.

Nguyên tắc áp dụng

thuyết này đã được nhiều nước thực nghiệm như Anh, Đức, Pháp,..... và đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Nhưng, không phải lúc nào cũng có thể thi hành được chính sách ngân sách cố ý thiếu hụt. Khi thực hiện chính sách này, phải nắm được những giới hạn của nó.

Thuyết về ngân sách cố ý thiếu hụt không thể thay thế vĩnh viễn thuyết ngân sách thăng bằng; mẫu mực cần hướng tới vẫn là một ngân sách thăng bằng. 

Lí thuyết ngân sách cố ý thiếu hụt chỉ là một ngoại lệ quan trọng của thuyết ngân sách thăng bằng. Sự thiếu hụt này phải có giới hạn của nó, không được vĩnh viễn và phải được theo dõi chặt chẽ. 

Sự cố ý thiếu hụt có tác dụng thúc đẩy một nền kinh tế ra khỏi tình trạng đình trệ. Song, khi nền kinh tế đã bắt đầu chuyển động thì Nhà nước phải giảm dần những chi phí đầu tư, dần dần tăng thu để làm cho ngân sách trở lại thế thăng bằng.

Theo Keynes thì tình trạng thất nghiệp là dấu hiệu cho biết lúc nào nên thi hành hoặc chấm dứt chính sách ngân sách cố ý thiếu hụt. 

Theo kinh nghiệm của nước Anh và một số nước khác, khi nào tỉ lệ thất nghiệp lớn hơn 3%, Nhà nước có thể thực thi chính sách cố ý thiếu hụt. 

Khi tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn hoặc bằng 3% thì Nhà nước phải cố gắng gây lại mức thăng bằng của Ngân sách. Khi nền kinh tế có mức thất nghiệp thấp thì sự gia tăng của chi tiêu sẽ không hiệu quả và lãng phí.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi. Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử)

Diệu Nhi