|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết về ngân sách chu kì là gì? Phương pháp thực hiện

10:24 | 12/12/2019
Chia sẻ
Lí thuyết về ngân sách chu kì cho rằng sự thăng bằng của ngân sách sẽ không duy trì trong khuôn khổ một năm, mà sẽ duy trì trong khuôn khổ của một chu kì kinh tế.
Annual%20Budget%20Cycle-335141-edited

Hình minh hoạ (Nguồn: hornellp)

Lí thuyết về ngân sách chu kì

Khái niệm

Lí thuyết về ngân sách chu kì cho rằng sự thăng bằng của ngân sách sẽ không duy trì trong khuôn khổ một năm, mà sẽ duy trì trong khuôn khổ của một chu kì kinh tế.

Nghĩa là, vẫn tôn trọng nguyên tắc cân đối giữa thu và chi của Ngân sách Nhà nước, nhưng thực hiện sự cân bằng này trong một thời kì gồm nhiều tài khoá liên tục tương ứng với từng chu kì phát triển của kinh tế. 

Khi đó, tình trạng bội thu hay bội chi của Ngân sách Nhà nước trong từng tài khoá không hẳn là mất cân đối, chúng có thể bù trừ cho nhau trong cả chu kì. 

Tuy nhiên, mức bội thu hay bội chi, đặc biệt là bội chi, phải được khống chế trong một giới hạn nhất định mà chính phủ có thể kiểm soát được.

Lịch sử hình thành

Từ đầu thế kỉ 19 tới nay, thông thường nền kinh tế thị trường trải qua một chuỗi các chu kì, mỗi chu kì gồm có một thời kì thịnh vượng và một thời kì suy thoái. 

Ở thế kỉ 19, ngân sách Nhà nước chiếm một tỉ trọng rất nhỏ so với tổng sản phẩm trong nước. Vì vậy, mối quan hệ giữa ngân sách Nhà nước và chu nền kinh tế còn chưa chặt chẽ. Lí thuyết thăng bằng ngân sách tỏ ra thích ứng với thời kì này. 

Sang đầu thế kỉ 20, quan hệ giữa ngân sách Nhà nước và chu kì nền kinh tế rất chặt chẽ. Trong mỗi thời kì của chu kì kinh tế, thu, chi ngân sách rất khác nhau, dẫn đến việc thực thi ngân sách thăng bằng triệt để có thể đi ngược với những đòi hỏi của một chu kì kinh tế. 

Phương pháp thực hiện lí thuyết về ngân sách chu kì

Thực hiện thuyết này, các Nhà kinh tế đưa ra các phương pháp sau đây:

- Thứ nhất: Tạo lập một quĩ dự trữ trong giai đoạn thịnh vượng, nhằm đề phòng những năm thiếu hụt của thời suy thoái, nhưng phải tránh 2 điều:  

+ Không để tiền nằm yên không vận động; chính phủ có thể sử dụng số tiền của quĩ này để trả dần cho các chủ nợ của mình

+ Nhưng nên tránh trả quá nhiều một lúc cho dân chúng (gây biến động về giá cả)

- Thứ hai: Trong giai đoạn kinh tế suy thoái không tìm cách thăng bằng ngân sách mà trái lại, cố ý tạo ra một tình trạng mất thăng bằng, nghĩa là chi tiêu nhiều hơn. 

Tình trạng này khơi mào, châm ngòi cho sự phục hồi kinh tế. Khi nền kinh tế đã thịnh vượng, sự không thăng bằng của ngân sách năm cũ sẽ được đền bù bằng những khoản thu trội của ngân sách các năm thịnh vượng.

Chỉ từ ngày các Nhà nước can thiệp mạnh vào nền kinh tế, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, chu kinh tế mất đi tính đều đặn, thuyết về ngân sách chu mới không còn mang tính thời sự nữa.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi. Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử)

Diệu Nhi