L/C chuyển nhượng (Transferable L/C) và L/C có thể hủy ngang (Revocable L/C) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: TheBank)
L/C chuyển nhượng (Transferable L/C)
L/C chuyển nhượng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Transferable L/C.
L/C chuyển nhượng là L/C không hủy ngang, theo đó, người hưởng lợi thứ nhất chuyển nhượng một phần hay toàn bộ nghĩa vụ thực hiện L/C cũng như quyền đòi tiền mà mình có được cho những người hưởng lợi thứ hai, mỗi người hưởng lợi thứ hai nhận cho mình một phần của thương vụ.
Như vậy, khái niệm chuyển nhượng ở đây bao gồm chuyển nhượng quyền thực hiện L/C và chuyển nhượng quyền được đòi trả tiền, tức quyền được kí phát hối phiếu đòi tiền theo L/C. Quyền kí phát hối phiếu đòi tiền theo L/C chỉ được dành cho người hưởng lợi thứ nhất hay một số người được chuyển nhượng của L/C.
Như vậy, chuyển nhượng quyền kí phát hối phiếu là khác biệt với quyền có thể nhượng các khoản thu được từ L/C cho người khác hưởng.
L/C chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng một lần, chi phí chuyển nhượng thường do người hưởng lợi ban đầu chịu. Loại L/C này được sử dụng khi người thụ hưởng thứ nhất không tự cung cấp được hàng hóa mà chỉ là người môi giới.
Sự chuyển nhượng L/C phải được thực hiện theo L/C gốc. Việc chuyển nhượng không có nghĩa là hợp đồng mua bán cũng được chuyển nhượng. Người hưởng lợi ban đầu vẫn là người chịu trách nhiệm chính với nhà Nhập khẩu.
Trường hợp người hưởng lợi thứ hai không giao hàng hay không giao đúng hàng hay chứng từ không hoàn hảo, thì người hưởng lợi thứ nhất phải chịu trách nhiệm về phía bên Xuất khẩu theo hợp đồng đã kí. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
L/C có thể hủy ngang (Revocable L/C)
L/C có thể hủy ngang - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Revocable L/C.
Hình minh họa
L/C có thể hủy ngang là L/C mà người mở (nhà Nhập khẩu) có quyền đề nghị Ngân hàng Phát hành sửa đổi bổ sung, hoặc hủy bỏ bất cứ lúc nào mà không cần có sự chấp thuận vì thông báo trước của người thụ hưởng (nhà Xuất khẩu).
Tuy nhiên, khi hàng hóa đã được giao, ngân hàng mới thông báo lệnh hủy bỏ hoặc sửa đổi bổ sung thì lệnh này không có giá trị; nghĩa là khi đó Ngân hàng Phát hành L/C vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết, coi như không có việc hủy bỏ xảy ra.
Vì trạng thái thanh toán bấp bênh, đặc biệt là quyền lợi người xuất khẩu không được bảo đảm, do đó, loại L/C này hầu như không được sử dụng trong thực tế mà chỉ tồn tại trên lí thuyết. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)