|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

L/C không thể hủy ngang (Irrevocable L/C) là gì?

10:41 | 04/09/2019
Chia sẻ
L/C không thể hủy ngang (tiếng Anh: Irrevocable L/C) là giao dịch L/C mà sau khi đã mở, ngân hàng phát hành không được sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ trong thời hạn hiệu lực của L/C trừ khi có sự đồng ý của người thụ hưởng và ngân hàng xác nhận.
Chưa có tên

Hình minh họa (Nguồn: Simex)

L/C không thể hủy ngang (Irrevocable L/C)

L/C không thể hủy ngang - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Irrevocable L/C.

L/C không thể hủy ngang là giao dịch L/C mà sau khi đã mở, Ngân hàng Phát hành không được sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ trong thời hạn hiệu lực của L/C trừ khi có sự đồng ý của người thụ hưởng và Ngân hàng Xác nhận.

Do quyền lợi của người Xuất khẩu được bảo đảm, do đó, loại L/C này được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trong thanh toán quốc tế. Một L/C không ghi chữ "Irrevocable" thì vẫn được coi là không hủy ngang, trừ khi nó nói rõ là có thể hủy ngang. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Nội dung của L/C không thể hủy ngang

Với qui tắc này, những người tham gia giao dịch L/C luôn có nhận thức thường trực rằng đã là L/C thì phải là loại không hủy ngang, trừ khi nói rõ là có thể hủy ngang. điều này là phù hợp với thực tiễn hiện nay là loại L/C hủy ngang hầu như không còn áp dụng, bởi vì nó có thể gây ra hậu quả khó lường cho người thụ hưởng.

L/C hủy ngang nói lên khả năng đơn phương hủy bỏ L/C đang còn hiệu lực vào bất cứ thời điểm nào mà không cần sự đồng ý của các bên liên quan. Chẳng hạn, người mở hay Ngân hàng Phát hành đơn phương tuyên bố hủy L/C, trong khi người thụ hưởng, Ngân hàng Thông báo, Ngân hàng Xác nhận không hề biết trước và không hề đồng ý.

Ngược với L/C hủy ngang, L/C không hủy ngang không cho phép bất cứ bên nào đơn phương tuyên bố hủy hay sửa đổi L/C mà không có sự chấp thuận của một/các bên còn lại. Việc đơn phương tuyên bố hủy hay sửa đổi L/C là không có giá trị pháp lí.

Nhưng một L/C không thể hủy ngang không có nghĩa là không thể hủy bỏ. Trong trường hợp các bên cùng nhau đồng ý hủy bỏ L/C thì nó được công nhận không còn giá trị thực hiện. 

Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận với người thụ hưởng về hủy bỏ L/C, người mở phải thương lượng với ngân hàng Phát hành, ngân hàng này liên hệ với Ngân hàng Xác nhận để có được xác thực đồng ý hủy bỏ L/C. Như vậy, một L/C muốn được hủy bỏ phải được sự đồng thuận của người thụ hưởng, ngân hàng phát hành và Ngân hàng Xác nhận.

Trong thực tế khách hàng lầm tưởng là chỉ cần bên mua và bên bán đồng ý hủy bỏ L/C là được, mà coi nhẹ vai trò của ngân hàng. Rất có thể ngân hàng phát hành/ Ngân hàng Xác nhận không đồng ý hủy bỏ L/C vì họ đã cấp tín dụng cho người mở, hoặc tài trợ xuất khẩu cho người hưởng.

Việc hủy bỏ L/C dẫn đến thiệt hại cho những ngân hàng liên quan. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Khai Hoan Chu