Giao dịch L/C (Letter of Credit) là gì? Đặc điểm của giao dịch L/C
Hình minh họa (Nguồn: Lesley Batchelor OBE and Kevin Shakespeare)
Giao dịch L/C (Letter of Credit)
Giao dịch L/C - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Letter of Credit.
Giao dịch L/C hay còn gọi là giao dịch Tín dụng thư, là một phương thức tín dụng chứng từ, trong đó tổ chức tài chính (thường là Ngân hàng) cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản đối với người thụ hưởng L/C với điều kiện người thụ hưởng phải xuất trình bộ chứng từ phù hợp với tất cả các điều khoản được qui định trong L/C, phù hợp với Qui tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP) được dẫn chiếu trong thư tín dụng và phù hợp với Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế dùng để kiểm tra chứng từ trong phương thức tín dụng chứng từ (ISBP).
(Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Đặc điểm của giao dịch L/C
L/C là hợp đồng kinh tế hai bên
Nhiều người lầm tưởng rằng, L/C là hợp đồng kinh tế ba bên gồm: nhà Nhập khẩu, Ngân hàng Phát hành và nhà Xuất khẩu. Thực tế, L/C là hợp đồng kinh tế độc lập chỉ của hai bên là Ngân hàng Phát hành và nhà Xuất khẩu.
Mọi yêu cầu và chỉ thị của nhà Nhập khẩu do Ngân hàng Phát hành đại diện, do đó, tiếng nói chính thức của nhà Nhập khẩu không được thể hiện trong L/C.
L/C độc lập với hợp đồng cơ sở và hàng hóa
Về bản chất, L/C là một giao dịch hoàn toàn độc lập với hợp đồng ngoại thương hoặc hợp đồng khác mà hợp đồng này là cơ sở để hình thành giao dịch L/C. Trong mọi trường hợp, ngân hàng không liên quan đến hoặc bị ràng buộc vào hợp đồng như vậy, ngay cả khi L/C có bất cứ dẫn chiếu nào đến hợp đồng này.
Như vây, L/C có tính chất quan trọng, nó hình thành trên cơ sở của hợp đồng ngoại thương, nhưng sau khi được thiết lập, nó lại hoàn toàn độc lập với hợp đồng này.
Một khi L/C đã được mở và đã được các bên chấp nhận, thì cho dù nội dung của L/C có đúng với hợp đồng ngoại thương hay không, cũng không làm thay đổi quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan đến L/C.
L/C chỉ giao dịch bằng chứng từ và thanh toán chỉ căn cứ vào chứng từ
Các ngân hàng, chỉ trên cơ sở chứng từ, kiểm tra việc xuất trình để quyết định xem trên bề mặt của chứng từ có tạo thành một xuất trình phù hợp hay không.
Như vậy, các chứng từ trong giao dịch L/C có tầm quan trọng đặc biệt, nó là bằng chứng về việc giao hàng của người bán, là đại diện cho giá trị hàng hóa đã được giao, do đó, chúng trở thành căn cứ để ngân hàng trả tiền, là căn cứ để nhà Nhập khẩu hoàn trả tiền cho ngân hàng, là chứng từ đi nhận hàng của nhà Nhập khẩu.
L/C yêu cầu tuân thủ chặt chẽ của bộ chứng từ
Vì giao dịch chỉ bằng chứng từ và thanh toán chỉ căn cứ vào chứng từ, nên yêu cầu tuân thủ chặt chẽ của chứng từ là nguyên tắc cơ bản của giao dịch L/C.
Để được thanh toán, người Xuất khẩu phải lập được bộ chứng từ phù hợp, tuân thủ chặt chẽ các điều khoản và điều kiện của L/C, bao gồm số loại, số lượng mỗi loại và nội dung chứng từ phải đáp ứng được chức năng của chứng từ yêu cầu.
L/C là công cụ thanh toán, hạn chế rủi ro hay là công cụ từ chối thanh toán và lừa đảo?
Xét về giác độ là công cụ thanh toán và phòng ngừa rủi ro cho nhà Xuất khẩu và nhà Nhập khẩu, thì L/C có ưu điểm vượt trội so với các phương thức thanh toán khác. Chính vì vậy mà phương thức này đã tồn tại và phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thương mại quốc tế, do diễn biến của thị trường, giá cả,... mà giao dịch L/C có thể bị lạm dụng trở thành công cụ từ chối nhận hàng, từ chối thanh toán và là công cụ để gian lận và lừa đảo. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)