|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Các ngân hàng đặc biệt (Specialized Banks) là gì? Các ngân hàng đặc biệt ở Việt Nam

14:56 | 03/09/2019
Chia sẻ
Hoạt động của ngân hàng đặc biệt (tiếng Anh: Specialized Banks) không hướng vào mục tiêu lợi nhuận và được nhà nước tài trợ ngân sách để đảm bảo khả năng thanh toán.
FOP_p5_1

Hình minh họa (Nguồn: raconteur.net)

Các ngân hàng đặc biệt (Specialized Banks)

Khái niệm

Các ngân hàng đặc biệt trong tiếng Anh là Specialized Banks.

Các ngân hàng đặc biệt (Specialized Banks) là ngân hàng được thành lập để phục vụ những mục đích đặc biệt. Hoạt động của ngân hàng đặc biệt không hướng vào mục tiêu lợi nhuận và được nhà nước tài trợ ngân sách để đảm bảo khả năng thanh toán.

Bản thân các ngân hàng đặc biệt thường được hưởng rất nhiều ưu đãi so với các loại hình ngân hàng khác như: không phải duy trì dự trữ bắt buộc tại ngân hàng trung ương, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp nhà nước khác theo qui định.

Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các ngân hàng đặc biệt là do trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đã dẫn tới sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực khác nhau trong một quốc gia. Do đó nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho những ngành sản xuất kém, hỗ trợ những bộ phận dân cư nghèo, gặp khó khăn, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng chung cho xã hội...

Tuỳ theo mỗi nước, ngân hàng đặc biệt có những tên gọi khác nhau, tuy nhiên các tên gọi thường gặp nhất như: ngân hàng phát triển, ngân hàng phục vụ người nghèo, ngân hàng chính sách, ngân hàng phục vụ sinh viên, ngân hàng phục vụ nông thôn, ngân hàng bình dân...

Do xuất phát từ mục tiêu phi lợi nhuận nên có thể thấy hoạt động của ngân hàng đặc biệt trên thị trường tài chính diễn ra không sôi nổi như các định chế là ngân hàng như đã trình bày.

Các ngân hàng đặc biệt ở Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện có hai ngân hàng hoạt động dưới hình thức ngân hàng đặc biệt, đó là Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam mục tiêu chính là phục vụ người nghèo, với các khoản cho vay dành cho các đối tượng như hộ nghèo, học sinh sinh viên, những người cần vay vốn để giải quyết việc làm, những người là lao động có thời hạn tại nước ngoài.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam hướng vào các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc diện vay vốn đầu tư, bảo lãnh tín dụng dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư, xuất khẩu. Vốn hoạt động của hai ngân hàng đều bắt nguồn từ Ngân sách Nhà nước và quá trình hoạt động nằm dưới sự điều hành và quản lí chặt chẽ của cơ quan Nhà Nước. 

Mục tiêu chung của hai ngân hàng này là đóng góp vào các nhiệm vụ đặc biệt của Nhà nước trong quá trình xoá đói giảm nghèo, phát triển các công trình thuỷ lợi và giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cho các vừng sâu, vùng xa.

Có thể thấy trong hoạt động, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đạt được những thành tựu không nhỏ, đặc biệt trong công tác giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ xã hội để từ đó khẳng định ý nghĩa và sứ mệnh hoạt động của hai ngân hàng đặc biệt này.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

T.H