Trái phiếu coupon (Coupon bond) và trái phiếu zero-coupon (Zero-coupon bond) là gì? Đặc điểm
Trái phiếu coupon và trái phiếu zero-coupon
Khái niệm
Trái phiếu coupon trong tiếng Anh là Coupon bond.
Trái phiếu coupon (Coupon bond) là loại trái phiếu được trả lãi định kì, thông thường là 6 tháng một lần (Mỹ) hoặc một năm một lần (Châu Âu và các nước khác) theo lãi suất đã được ấn định (lãi suất cuống phiếu). Khi phát hành, trái phiếu được bán bằng mệnh giá, khoản vốn gốc này sẽ được nhận một lần khi đáo hạn.
Trái phiếu zero-coupon trong tiếng Anh là Zero-coupon bond.
Trái phiếu zero-coupon (Zero-coupon bond) là loại trái phiếu không được trả lãi định kì.
Đặc điểm của trái phiếu coupon và trái phiếu zero- coupon
1. Trái phiếu coupon (Coupon bond)
Về mặt hình thức khi phát hành dưới dạng chứng chỉ trái phiếu coupon sẽ có phần phiếu lãi - cuống phiếu (Coupon), khi tới kì lĩnh lãi người nắm giữ trái phiếu coupon sẽ được nhận tiền lãi tương ứng theo từng phiếu lãi, số phiếu lãi là tương ứng với số lần trả lãi.
Nếu phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ (hình thái vật chất) thì thông thường là trái phiếu vô danh (trên tờ trái phiếu không ghi tên người sở hữu) theo đó ai cầm nó sẽ là người sở hữu nên trái phiếu vô danh còn được gọi theo thuật ngữ tiếng Anh là bearer bonds, loại trái phiếu này dễ dàng chuyển nhượng.
Hình ảnh: Trái phiếu đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn: voer.edu.vn)
2. Trái phiếu zero-coupon (Zero-coupon bond)
Trái phiếu zero-coupon có hai cách trả lãi: tiền lãi sẽ được trả trước tại thời điểm phát hành (chiết khấu) hoặc trả gộp một lần khi trái phiếu đáo hạn.
Trái phiếu trả lãi trước (còn gọi là trái phiếu chiết khấu): khi phát hành trái phiếu được bán với giá thấp hơn mệnh giá, người mua trái phiếu không nhận lãi định kì, khi đáo hạn chỉ nhận phần vốn gốc tương ứng với mệnh giá trái phiếu. Như vậy, tiền lãi là phần chênh lệch giữa mệnh giá với giá mua tại thời điểm phát hành, coi như là đã nhận lãi rồi.
Trái phiếu trả lãi sau (còn gọi là trái phiếu gộp): với loại này, khi phát hành người mua trái phiếu sẽ mua với giá bằng mệnh giá, tiền lãi có phát sinh định kì, trái chủ không nhận lãi định kì, lãi sẽ được nhập vào vốn gốc (phần mệnh giá) để tính lãi cho kì tiếp theo. Đến khi trái phiếu đáo hạn, trái chủ sẽ nhận một lần cả lãi và vốn gốc, phần lãi được tính gộp vào.
Tương tự như trái phiếu coupon, nếu phát hành dưới dạng chứng chỉ thì thông thường trái phiếu zero-coupon được phát hành thuộc loại trái phiếu vô danh (bearer bonds). trên tờ trái phiếu zero-coupon không có phần cuống phiếu (coupon), lãi suất in trên bề mặt của tờ trái phiếu là lãi suất danh nghĩa, được dùng làm căn cứ tính lãi.
Ví dụ như tờ Công trái xây dựng tổ quốc có lãi suất danh nghĩa i = 2%/năm với mệnh giá (phần vốn gốc) là 10.000 đồng/trái phiếu.
Hình ảnh: Công trái xây dựng tổ quốc (Nguồn: nganhangphapluat.thukyluat.vn)
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)