|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá FOB, giá CIF là gì? Mối liên hệ và ý nghĩa

10:48 | 30/08/2019
Chia sẻ
Giá FOB (tên đầy đủ: Free On Board) và giá CIF (tên đầy đủ: Cost, Insurance and Freight) là hình thức biểu hiện của giá quốc tế theo điều kiện mua bán hàng hóa.
Giá FOB Giá CIF

Hình minh họa

Giá FOB, giá CIF

Định nghĩa

Giá FOB tên đầy đủ là Free On Board là giá bán tính tại cầu cảng của nước xuất khẩu, nghĩa là bên bán phải chịu mọi chi phí cho đến khi hàng đã lên tàu tại cảng bên bán theo qui định.

Giá CIF tên đầy đủ là Cost, Insurance and Freight là giá tính tại cầu cảng của nước nhập khẩu, nghĩa là bên bán chịu mọi chi phí cho đến khi hàng hóa được giao tại cảng của bên mua theo qui định.

Các thuật ngữ liên quan

Giá quốc tế là biểu hiện bằng tiền giá trị quốc tế của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới.

- Theo mức độ tin cậy của giá cả, giá quốc tế bao gồm: giá tham khảo, giá chào hàng, giá yết bảng ở các sở giao dịch, giá thực tế trong các hợp đồng đã kí kết, giá bán đấu giá và đấu thầu...

- Theo điều kiện mua bán hàng hóa, có hai hệ thống giá là giá FOB và giá CIF.

- Theo điều kiện thanh toán quốc tế, có giá thanh toán ngay và giá thanh toán sau.

Mối liên hệ giữa giá FOB và giá CIF

- Giá FOBgiá CIF là hình thức biểu hiện của giá quốc tế theo điều kiện mua bán hàng hóa.

- Có thể biểu diễn mối quan hệ giữa giá FOB và giá CIF bằng công thức dưới đây:

Giá CIF = Giá FOB + Chi phí bảo hiểm quốc tế của hàng hóa (Insurance) + Cước phí vận chuyển (Freight)

Nói cách khác, giá CIF là giá FOB cộng thêm chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa.

Ý nghĩa

- Trong quan hệ thương mại quốc tế, nước xuất khẩu nên sử dụng giá CIF vì sử dụng giá CIF sẽ đem lại lợi ích cho cả quốc gia và doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể:    

+ Quốc gia xuất khẩu thu được tiền bảo hiểm và cước phí vận chuyển, từ đó tăng thu ngoại tệ và giúp ổn định cán cân thương mại. 

+ Bên xuất khẩu chủ động trong việc thuê phương tiện cũng như thời gian vận chuyển. 

+ Giải quyết việc làm giúp các ngành vận tải và bảo hiểm trong nước phát triển. 

+ Ngoài ra, nhà xuất khẩu còn nhận được một khoản hoa hồng từ bảo hiểm, cước vận chuyển. 

Tuy nhiên những lợi ích trên chỉ đạt được khi các công ty bảo hiểm và vận chuyển trong nước có khả năng cạnh tranh cao để bảo toàn toàn bộ lợi nhuận trong nước mà không chảy ra nước ngoài.

- Nước nhập khẩu nên lựa chọn giá FOB vì:

+ Nhà nhập khẩu tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển.

+ Khối lượng ngoại tệ bỏ ra ít hơn, từ đó góp phần ổn định cán cân thương mại. 

+ Bên cạnh đó, sử dụng giá FOB giúp nhà nhập khẩu chủ động trong việc nhập khẩu hàng hóa.

 (Tài liệu tham khảo, Giáo trình Kinh tế quốc tê, Học viện tài chính)

Minh Lan

Thị trường phân hóa, VN-Index tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.200 điểm
Dòng ngân hàng có tín hiệu hồi phục đầu tiên với VBB tăng hết biên độ lên 11.100 đồng/cp. Cùng chiều, giao dịch khởi sắc còn được chứng kiến ở SHB (+2,3%), ABB (+1,3%), VCB (+1,2%), KLB (+0,9%), BID (+0,3%), …