|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá quốc tế là gì? Điều kiện xác định và các nhân tố ảnh hưởng

16:50 | 14/08/2019
Chia sẻ
Giá quốc tế là biểu hiện bằng tiền giá trị quốc tế của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới.
MAG-Simchi-Price-Optimization-Marketing-Analytics-Performance-Promotion-Pricing-1200-1200x627

Hình minh họa. Nguồn: sloanreview.mit.edu

Giá quốc tế

Định nghĩa

Giá quốc tế là biểu hiện bằng tiền giá trị quốc tế của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới.

Điều kiện xác định giá quốc tế

Một là, giá quốc tế phải là giá có tính chất đại diện cho đối tượng trao đổi trên thị trường thế giới và phải là giá của các giao dịch thông thường.

Để thỏa mãn điều này, người ta thường lấy giá của nước xuất khẩu với khối lượng lớn nhất sản phẩm đó trên thị trường thế giới hoặc giá của nước nhập khẩu lớn nhất sản phẩm đó trên thị trường thế giới là giá quốc tế.

Ví dụ: Lấy giá xuất khẩu gạo tại Thái Lan là giá gạo quốc tế; lấy giá xuất khẩu cà phê tại Brazin là giá cà phê quốc tế...

Hai là, giá đó phải được tính bằng đồng tiền mạnh có khả năng tự do chuyển đổi.

Đồng tiền được coi là mạnh là tiền có khả năng chuyển đổi và phải giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tiến tệ quốc tế.

Một số đồng tiền mạnh hiện nay như: Đô la Mĩ (USD); Euro (EUR); Yên Nhật Bản (JPY); Bảng Anh (GBP)...

Các hình thức biểu hiện giá quốc tế

- Theo mức độ tin cậy của giá cả, có các loại giá sau đây: giá tham khảo, giá chào hàng, giá yết bảng ở các sở giao dịch, giá thực tế trong các hợp đồng đã kí kết, giá bán đấu giá và đấu thầu...

- Theo điều kiện mua bán hàng hóa, có hai hệ thống giá là giá FOB và giá CIF.

- Theo điều kiện thanh toán quốc tế, có giá thanh toán ngay và giá thanh toán sau.

Các nhân tố ảnh hưởng đến giá quốc tế

(1) Cạnh tranh

Thực tế có ba loại cạnh tranh

- Cạnh tranh giữa những người bán

Những người bán thường cạnh tranh với nhau khi đối tượng trao đổi có xu hướng cung lớn hơn cầu. Kết quả của cuộc cạnh tranh sẽ làm cho giá cả có xu hướng giảm.

- Cạnh tranh giữa những người mua

Những người mua thường cạnh tranh với nhau khi đối tượng trao đổi có xu hướng cầu lớn hơn cung. Kết quả của cuộc cạnh tranh sẽ làm cho giá cả có xu hướng tăng lên.

- Cạnh tranh giữa những người mua và người bán

Đây là cạnh tranh theo qui luật, những người mua muốn mua thật rẻ còn những người bán thì muốn bán đắt. 

Kết quả của cuộc cạnh tranh này tùy thuộc vào tình hình cạnh tranh nội bộ của mỗi bên. Nội bộ bên nào ít cạnh tranh với nhau hơn, đoàn kết hơn thì bên đó thắng.

Trong điều kiện hiện nay, cạnh tranh trên thị trường thế giới không chỉ thể hiện công khai qua giá cả, mà còn có hình thức cạnh tranh "phi giá cả" tức là cạnh tranh với nhau dưới hình thức tuyên truyền, quảng cáo, bảo hành, phục vụ kĩ thuật...

(2) Nhân tố lũng đoạn

Lũng đoạn làm xuất hiện nhiều mức giá đối với cùng một loại hàng hóa, thậm chí diễn ra ngay trên cùng một thị trường. Giá lũng đoạn có hai loại: 

Giá lũng đoạn cao: Giá lũng đoạn cao là giá bán có sự cấu kết thống nhất giữa những người bán với nhau. Đó là giá bán của những sản phẩm hoàn chỉnh của các ngành công nghiệp, máy móc thiết bị mà người bán là các nước công nghiệp phát triển.

Giá lũng đoạn cao ít biến động trong các giai đoạn của chu kì kinh tế phát triển bởi họ áp dụng nhiều biện pháp để duy trì mức giá, trong đó biện pháp quan trọng nhất là điều tiết sản xuất cho thích ứng với nhu cầu thay đổi.

Giá lũng đoạn thấp: Giá lũng đoạn thấp là giá bán mà những người bán không thể cấu kết thống nhất được với nhau. Đó là giá bán những loại nguyên liệu, lương thực, thực phẩm của các nước đang phát triển.

(3) Nhân tố quan hệ cung - cầu

Sự thay đổi mối quan hệ cung - cầu một đối tượng trao đổi trên thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới xu hướng biến động của giá cả quốc tế của nó. Vì vậy, tất cả những nhân tố tác động đến mối quan hệ cung - cầu đã nói ở trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến giá cả quốc tế theo qui luật: 

Cung > Cầu -> Giá có xu hướng giảm

Cung < Cầu -> Giá có xu hướng tăng

(4) Nhân tố giá trị của đồng tiền biểu thị qua giá

Giá cả của những đối tượng trao đổi không những được quyết định bởi giá trị của chúng mà còn phụ thuộc vào giá trị tiền được dùng biểu thị giá.

Nếu tiền dùng biểu thị giá mà lạm phát sẽ làm cho giá trị đồng tiền giảm, do đó giá cả của các đối tượng trao đổi biểu hiện bằng tiền ấy tăng lên với mức độ khác nhau.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)

Minh Lan

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.