|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là gì? Các hình thức ODA

17:46 | 09/08/2019
Chia sẻ
Hỗ trợ phát triển chính thức (tiếng Anh: Official Development Assistance, viết tắt: ODA) có thể hiểu là các khoản viện trợ của chính phủ được thiết kế để thúc đẩy phát triển kinh tế và phúc lợi ở các nước đang phát triển.
oda

Hình minh họa. Nguồn: marinteengirl

Hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance)

Định nghĩa

Hỗ trợ phát triển chính thức trong tiếng Anh là Official Development Assistance, viết tắt là ODA. Hỗ trợ phát triển chính thức là việc các tổ chức quốc tế hoặc chính phủ một nước đầu tư cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nước đó.

Các hình thức hỗ trợ phát triển chính thức

Phân biệt theo tính chất sử dụng vốn, ODA bao gồm: ODA không hoàn lạiODA cho vay ưu đãi.

- ODA không hoàn lại (còn gọi là viện trợ không hoàn lại) là vốn do các nhà tài trợ quốc tế đầu tư với ý nghĩa từ thiện, thực chất là quà tặng của một bên cho phía bên kia có gán với mục đích sử dụng của vốn, như: viện trợ xoá đói giảm nghèo, viện trợ cho người khuyết tật, viện trợ thực hiện cải thiện môi trường sống... 

Hiện nay, dòng vốn viện trợ không hoàn lại chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong các dòng vốn đầu tư quốc tế và có xu hướng giảm dần khi đời sống xã hội ngày một nâng cao.

- ODA ưu đãi là vốn do các chủ đầu tư quốc tế cho chính phủ một nước vay với điều kiện ưu đãi (lượng vốn lớn, lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, thời hạn sử dụng dài, có thể có thời gian ân hạn), vì vậy thực chất là loại tín dụng ưu đãi. 

Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất thị trường được gọi là yếu tố viện trợ. Yếu tố viện trợ của ODA càng lớn thì lãi suất cho vay càng nhỏ.

Đặc điểm

- Bản chất của dòng vốn này chứa đựng yếu tố trợ giúp mang tính quốc tế, nên còn gọi là dòng vốn tài trợ quốc tế.

- ODA có yếu tố viện trợ do đó khối lượng vay vốn thường lớn, thời hạn vay dài, lãi suất vay thấp.

- Đây là dòng vốn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ chính trị, xã hội giữa hai bên.

- Có sự giám sát của bên đầu tư trong quá trình vốn được sử dụng ở bên nhận đầu tư.

- Khả năng đáp ứng vốn của dòng vốn này rất chậm, thường có sự chênh lệch lớn giữa lượng vốn cam kết với vốn được giải ngân trong thực tế.

- Việc di chuyển vốn thường kèm theo các điểu kiện ràng buộc đối với bên vay vốn, như điều kiện về cải thiện chính sách vĩ mô (với ODA đa phương); điểu kiện mua thiết bị tại nước chủ đầu tư, hay đòi hỏi cải thiện môi trường đầu tư... (với ODA song phương).

Bên đầu tư

Bên nhận đầu tư

- Bên đầu tư gọi là nhà tài trợ quốc tế, có thể là các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức chính phủ như WB, ADB, IMF... (ODA đa phương); hoặc Chính phủ các nước như Nhật Bản, Pháp, Canada... (ODA song phương).


- Mục đích của các chủ đầu tư không thuần tuý là lợi ích kinh tế, chủ đầu tư còn có thể ràng buộc bên nhận đầu tư vào các chương trình, dự án có mục đích kinh tế lâu dài hoặc ràng buộc vào mục đích chính trị - xã hội.

- Bên nhận đầu tư gọi là bên nhận tài trợ quốc tế, thường là nước đang phát triển.


- Nếu là ODA không hoàn lại, Chính phủ nước nhận tài trợ được sử dụng vốn mà không phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả, nhưng cần sử dụng đúng mục đích theo các chương trình, dự án được bên tài trợ phê duyệt và phải sử dụng có hiệu quả để tạo uy tín với nhà tài trợ.


- Nếu là ODA ưu đãi, Chính phủ sử dụng vốn vay và phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong tương lai.

Liên hệ thực tiễn

Do khối lượng vay vốn lớn, thời hạn vay dài, lãi suất vay thấp (vì có chứa đựng yếu tố viện trợ) nên Chính phủ các quốc gia đang phát triển có thể sử dụng nguồn vốn này vào các lĩnh vực cần vốn đầu tư lớn và có thời gian thu hồi vốn chậm, như: Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thống; hệ thống thuỷ lợi, các chương trình kinh tế lớn... 

Tuy nhiên, nếu không có chiến lược sử dụng vốn có hiệu quả thì Chính phủ nước nhận vốn dễ bị trói buộc vào vòng ảnh hưởng của bên đầu tư; đồng thời làm tăng gánh nặng trả nợ trong tương lai.

(Tài liệu tham khảo Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)

Minh Lan