|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tín dụng thương mại quốc tế (Commercial Loans) là gì?

17:12 | 09/08/2019
Chia sẻ
Tín dụng thương mại quốc tế (tiếng Anh: Commercial Loans) tính đến những năm 1980, là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất trên khắp các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, cho đến nay, hình thức đầu tư quốc tế này giảm mạnh trên toàn cầu trong khi đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp tăng lên đáng kể.
commercial-loan

Hình minh họa. Nguồn: morning

Tín dụng thương mại quốc tế (Commercial Loans)

Định nghĩa

Tín dụng thương mại quốc tế trong tiếng Anh là Commercial Loans. Tín dụng thương mại quốc tế là các khoản vay thương mại thường ở dạng các khoản vay ngân hàng được phát hành bởi một ngân hàng trong nước cho các doanh nghiệp ở nước ngoài hoặc chính phủ của các quốc gia đó. (Theo Investopedia, Foreign Investment)

Các hình thức phổ biến

Hình thức tín dụng thương mại quốc tế phổ biến:

Tín dụng giữa tổ chức quốc tế với Chính phủ một nước

Tín dụng giữa chính phủ nước này với Chính phủ nước khác

Tín dụng giữa tư nhân nước này tư nhân nước khác (có sự bảo lãnh của chính phủ hoặc tổ chức tài chính trung gian; hoặc không có sự bảo lãnh, chỉ trên niềm tin giữa hai bên, thường có lãi suất cao hơn hẳn lãi suất thị trường chung và thời gian vay ngắn).

Đặc điểm

- Chủ đầu tư có thể là

Tư nhân nước ngoài (tín dụng thương mại tư nhân)

Chính phủ (tín dụng thương mại song phương)

Tổ chức quốc tế (tín dụng thương mại đa phương)

- Lợi ích của chủ đầu tư được ấn định trước thông qua lãi suất thoả thuận giữa hai bên, lấy lãi suất thị trường làm cơ sở.

- Với bên nhận đầu tư: Đây là nguồn vốn có lãi suất thị trường, sẽ làm tăng nhanh chóng gánh nặng trả nợ trong tương lai. Nêu bên nhận đầu tư là doanh nghiệp, sẽ đáp ứng rất nhanh vốn, giúp bên sử dụng vốn tận dụng được cơ hội kinh doanh, nhưng thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao, ảnh hưởng đến phần thu nhập còn lại của bên sử dụng vốn. Nếu bên nhận đầu tư là Chính phủ, hoặc Chính phủ bảo lãnh cho việc vay vốn của doanh nghiệp sẽ tác động đến nghĩa vụ trả nợ của chính phủ (trong trường hợp bên sử dụng vốn không có khả năng trả nợ).

Liên hệ thực tiễn

Các Chính phủ thường rất thận trọng đối với dòng vốn này và phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế vay, chỉ huy động khi đã xác định đầu tư cho một dự án có tính khả thi cao, đảm bảo yêu cầu trả nợ, hạn chế sự gia tăng gánh nặng nợ trong tương lai ở cả khu vực chính phủ và khu vực tư nhân.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)

Minh Lan