Hội nhập kinh tế quốc tế (International Economic Integration) là gì? Cơ hội và thách thức
Hình minh họa. Nguồn: aric.adb
Hội nhập kinh tế quốc tế (International Economic Integration)
Định nghĩa
Hội nhập kinh tế quốc tế trong tiếng Anh là International Economic Integration. Hội nhập kinh tế quốc tế là thực hiện mở cửa kinh tế quốc gia, phát triển kinh tế quốc gia gắn liền với kinh tế khu vực và thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế quốc tế, vào hệ thống thương mại đa phương.
Vì sao hội nhập kinh tế quốc tế là qui luật tất yếu khách quan?
Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế là qui luật tất yếu khách quan đối với sự phát triển kinh tế của các nước do sự chi phối của nhiều nhân tố khác nhau.
Một là, nhân tố khách quan
- Do sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia mang tính quốc tế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phân công lao động quốc tế, đòi hỏi nền kinh tế của mỗi quốc gia phải hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
- Do sự tác động mạnh mẽ của của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã tạo điều kiện và đòi hỏi nền kinh tế của mỗi quốc gia cần phải khai thác có hiệu quả những thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới để phát triển nền kinh tế quốc gia.
- Do sự tác động của các xu thế phát triển kinh tế thế giới như: xu thế toàn cầu hóa, xu thế mở cửa kinh tế, xu thế phát triển kinh tế tri thức nên không có một nước nào có thể phát triển kinh tế một cách độc lập được.
- Do xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần phải thực hiện sự đối thoại thay cho đối đầu về kinh tế.
Hai là, nhân tố chủ quan
- Trong quá trình phát triển nền kinh tế, trên thế giới không một quốc gia nào có đủ lợi thế về tất cả các nguồn lực, do vậy, hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết để giải quyết những khó khăn của các nguồn lực cho việc phát triển kinh tế mà mỗi nước sẽ không thể tự giải quyết được từ những nguồn lực từ bên trong của mình.
- Trong quá trình phát triển nền kinh tế, các nước đều không muốn mình bị tụt hậu quá xa nên phải tìm mọi cách hội nhập vào xu thế chung nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế, về công nghệ sản xuất.
Tuy nhiên cần nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế là một cuộc cạnh tranh gay go, khốc liệt để phát triển nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập kinh tế và bản sắc dân tộc thông qua việc thiết lập các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, đan xen nhiều chiều, ở nhiều mức độ khác nhau.
Cơ hội và thách thức
Cơ hội
- Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực trong quá trình phát triển kinh tế nhằm tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, bởi lẽ hội nhập sẽ tạo ra những thuận lợi để giải quyết những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế.
- Góp phần từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước, của hàng hóa dịch vụ sản xuất ra, từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ cho quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ ở ngoài nước.
- Có điều kiện sử dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ để nâng cao trình độ kĩ thuật công nghệ, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kĩ thuật công nghệ với các nước nhằm tránh sự tụt hậu về mặt công nghệ.
Song, cần lưu ý rằng những lợi ích trên chỉ có thể đạt được khi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi quốc gia đều thực hiện nghiêm chỉnh các qui định, thỏa thuận, các cam kết đã kí kết.
Thách thức
Bên cạnh những cơ hội có thể có được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, những thách thức đặt ra cho mỗi quốc gia cũng hết sức khó khăn và phức tạp:
- Nền kinh tế phải có sự chấp thuận phát triển trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn hơn.
- Phải từng bước điều chỉnh cơ chế quản lí và hệ thống luật pháp cho phù hợp với tập quán, luật pháp quốc tế.
Những thách thức trên là hết sức khó khăn với các nước đang phát triển do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp, của hàng hóa dịch vụ còn rất yếu, thị trường tiêu thụ ở ngoài nước còn rất hạn chế.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)