Thương mại quốc tế (International Commerce) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: Bqlive
Thương mại quốc tế (International Commerce)
Định nghĩa
Thương mại quốc tế trong tiếng Anh là International Commerce. Thương mại quốc tế là sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thông qua hoạt động xuất khẩu (bán) và nhập khẩu (mua).
Đây là một quan hệ kinh tế, phản ánh mối quan hệ giữa người cung cấp với người sử dụng hàng hóa và dịch vụ ở các quốc gia khác nhau.
Đặc điểm
- Đối tượng trao đổi trong thương mại quốc tế là hàng hóa và dịch vụ.
- Các bên tham gia thương mại quốc tế là những chủ thể kinh tế khác quốc gia, có thể là chính phủ, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.
- Hoạt động thương mại quốc tế diễn ra trên thị trường thế giới, tùy theo góc độ nghiên cứu có thể là thị trường toàn thế giới, thị trường khu vực hoặc thị trường của nước xuất khẩu hay nước nhập khẩu.
- Phương tiện thanh toán trong thương mại quốc tế giữa bên mua và bên bán là đồng tiền có khả năng chuyển đổi.
Mục tiêu
Thương mại quốc tế là hình thức quan hệ kinh tế quốc tế xuất hiện sớm nhất, hiện nay vẫn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế từng quốc gia và phát triển kinh tế thế giới.
Từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, mục tiêu nghiên cứu thương mại quốc tế cũng khác nhau.
Góc độ toàn cầu
- Phân tích hoạt động thương mại quốc tế trên cơ sở lợi ích chung nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thế giới.
- Tìm hiểu sự vận động có tính qui luật của mối quan hệ, từ đó xây dựng hệ thống pháp luật quốc tế nhằm điều chỉnh mối quan hệ thương mại quốc tế.
- Giải quyết những mâu thuẫn và hài hòa mối quan hệ lợi ích.
Góc độ nền kinh tế quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế (còn gọi là hoạt động ngoại thương)
- Xem xét hoạt động xuất nhập khẩu của các chủ thể kinh tế trong quốc gia đó với phần còn lại của thế giới, hướng tới lợi ích chung của quốc gia.
- Đưa ra chính sách và các biện pháp có tính chất ngắn hạn và dài hạn, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa hỗ trợ tốt nhất cho các chủ thể kinh tế trong nước.
- Hài hòa lợi ích chung của quốc gia với lợi ích riêng của công ty và người tiêu dùng.
Góc độ kinh doanh xuất nhập khẩu của các công ty
- Nghiên cứu chính sách và biện pháp của các chính phủ và các đối tác để xây dựng chiến lược kinh doanh, nhằm khai thác lợi ích kinh tế tối đa từ hoạt động xuất nhập khẩu.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)