|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình ước tính tổn thất dự kiến (Expected Loss Model) là gì?

16:59 | 30/08/2019
Chia sẻ
Mô hình ước tính tổn thất dự kiến (tiếng Anh: Expected Loss Model) là một mô hình trong đo lường rủi ro tín dụng.
mô hình el

Hình minh họa (Nguồn: pinterest)

Mô hình ước tính tổn thất dự kiến 

Khái niệm

Mô hình ước tính tổn thất dự kiến trong tiếng Anh gọi là: Expected Loss Model.

Mô hình ước tính tổn thất dự kiến là một mô hình để đo lường rủi ro tín dụng. Mô hình dựa trên hệ thống dữ liệu nội bộ để xác định khả năng tổn thất tín dụng: 

Công thức tính: EL = PD x EAD x LGD 

Trong đó: 

- PD: Probability of Default – xác suất khách hàng không trả được nợ; 

- LGD: Loss Given Default – tỉ trọng tổn thất ước tính; 

- EAD: Exposure at Default – tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm khách hàng không trả được nợ; 

- EL: Expected Loss – tổn thất có thể ước tính.

Xác suất khách hàng không trả được nợ (PD)

- PD dựa trên các số liệu về các khoản nợ trong quá khứ của khách hàng, gồm:

+ Các khoản nợ đã trả;

+ Khoản nợ trong hạn;

+ Các khoản nợ không thu hồi được. 

- Để tính được PD trong 1 năm thì phải tính trên dữ liệu dư nợ của khách hàng trong vòng ít nhất 5 năm trước đó, gồm: 

+ Nhóm dữ liệu tài chính (các hệ số tài chính và đánh giá của các tổ chức xếp hạng).

+ Nhóm dữ liệu phi tài chính: năng lực quản lí, khả năng tăng trưởng của ngành… 

+ Nhóm dữ liệu mang tính cảnh báo: (khả năng trả nợ) hạn mức thấu chi, số dư tiền gửi… Và tính PD dựa trên mô hình Logistic.

Tỉ trọng tổn thất ước tính (LGD)

_ LGD: tỉ trọng phần vốn bị tổn thất/tổng dư nợ tại thời điểm khách hàng không trả được nợ. 

- LGD gồm: Gốc, lãi chưa trả được, chi phí phát sinh… 

LGD = (EAD – Số tiền có thể thu hồi)/EAD 

- Số tiền có thể thu hồi phụ thuộc: Tài sản bảo đảm + Cơ cấu tài sản của khách hàng + Yếu tố vĩ mô 

- Có 3 phương pháp tính LGD: 

+ Market LGD: Sử dụng với các khoản tín dụng được mua bán trên thị trường. LGD bằng giá của khoản tín dụng đó trên thị trường = hiện tại hoá tất cả các dòng tiền có thể thu hồi được của khoản tín dụng trong tương lai. 

+ Workout LGD: LGD căn cứ vào việc xử lí các khoản tín dụng không trả được nợ. Ngân hàng ước tính các dòng tiền trong tương lai, khoảng thời gian dự kiến thu hồi được các dòng tiền đó và chiết khấu về hiện tại. Khó khăn: dự tính tính chính xác CF, t, DR.  

+ Implied Market LGD: căn cứ vào giá các trái phiếu rủi ro trên thị trường.

(Tài liệu tham khảo: Rủi ro tín dụng, ThS. Đinh Thị Hồng Thêu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tuyết Nhi