|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn (Subprime mortgage crisis) là gì?

21:36 | 09/02/2020
Chia sẻ
Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn (tiếng Anh: Subprime mortgage crisis) xảy ra khi các ngân hàng bán quá nhiều khoản thế chấp để đáp ứng nhu cầu về chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp thông qua thị trường thứ cấp.
Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn (Subprime mortgage crisis) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: thestreet.com)

Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn

Khái niệm

Khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn trong tiếng Anh là Subprime mortgage crisis.

Khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn xảy ra khi các ngân hàng bán quá nhiều khoản thế chấp để đáp ứng nhu cầu về chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp thông qua thị trường thứ cấp

Cách thức tạo khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn được thực hiện thông qua một công cụ tài chính hiện đại khá tinh vi được gọi là nghiệp vụ chứng khoán hóa (securitisation). Ngày nay, các tài sản tài chính có thể dùng để chứng khoán hóa rất đa dạng bao gồm các khoản cho vay thế chấp mua nhà, các khoản cho vay thương mại, các khoản phải thu thương mại, v.v...

Với nghiệp vụ chứng khoán hóa, người cho vay không nhất thiết phải nắm giữ rủi ro tín dụng mà có thể chuyển hóa sang cho người khác một cách dễ dàng thông qua việc phát hành chứng khoán nợ lấy danh mục tín dụng làm tài sản đảm bảo. Chính điều này là cơ sở để các ngân hàng đầu tư đã tự tin bơm vốn vào hoạt động cho vay nợ dưới chuẩn một cách dễ dàng.

Các ngân hàng đầu tư quốc tế thi nhau bơm vốn cho các công ty tài chính chuyên làm nhiệm vụ cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn hoặc thành lập các công ty cho vay của riêng mình. Hàng loạt chủ thể tham gia vào qui trình cho vay và chứng khoán hóa như ngân hàng đầu tư, công ty tài chính, môi giới cho vay, v.v... đều thu được các khoản thu nhập kếch sù.

Lợi nhuận cao kết hợp với lòng tham đã dẫn đến lạm dụng việc cho vay nợ dưới chuẩn. Các thủ tục thẩm định thực hiện bởi các đại lí cho vay diễn ra hết sức lỏng lẻo và việc tiếp cận vốn tín dụng mua nhà trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn bao giờ hết. Những người có thu nhập thấp, đặc biệt là dân định cư đầu tiên có cơ hội mua nhà. Cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn lan nhanh ra toàn nước Mỹ. Giá bất động sản tăng nhanh chóng.

Khi nền kinh tế hoạt động không hiệu quả, lãi suất tăng tạo nên gánh nặng trả nợ với những người thu nhập thấp, thất nghiệp gia tăng thì rủi ro cho vay nợ dưới chuẩn bị ảnh hưởng nhanh nhất.

Không trả được nợ, hàng loạt người mua nhà bị xiết nợ và phát mại tài sản. Cleveland (Ohio) là thành phố đầu tiên châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lan rộng ra toàn nước Mỹ và thế giới. Theo số liệu thống kê, khoảng 1/10 số nhà tại Cleveland bị thu hồi để phát mại. Những người nhập cư với giấc mơ mua nhà lại trở về tay trắng. Giá nhà tại Mỹ giảm thảm hại trong quí III năm 2007, mức tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1930.

Ngay lập tức, Cục dự trữ liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu phải bơm số vốn khổng lồ vào thị trường. Từ tháng 9/2007, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã liên tục 5 lần cắt giảm lãi suất chiết khấu đồng USD từ 5,25%/năm xuống mức 3%/ năm. Đây là những biện pháp rất mạnh nhằm cứu vãn nền kinh tế Mỹ khỏi cuộc khủng hoảng này.

Tác động của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn tới nền kinh tế thực

Thị trường nhà ở Mỹ tiếp tục suy yếu. Tỉ lệ bán các căn nhà mới giảm sau mỗi tháng trong đầu năm 2008. Con số hơn 800.000 ngôi nhà chưa bán được đã “đè nặng” lên thị trường, gây sức ép tới giá nhà.

Sự khan hiếm tín dụng cho các hoạt động kinh doanh đã cho thấy thị trường đang suy giảm. Nhiều công ty cắt giảm dự án đầu tư, một số khác buộc phải từ bỏ kế hoạch kinh doanh hiệu quả do không tìm kiếm được nguồn tài trợ từ ngân hàng.

GDP của Mỹ chỉ tăng 0,6% trong quí IV năm 2007 và quí I năm 2008, so với mức 4% năm 2006. Với việc con số thất nghiệp tháng gia tăng liên tục kể từ tháng 4/2008 nhiều nhà kinh tế đã tuyên bố rằng kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái cho dù Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) đã không đồng tình.

Ở Châu Âu, các nền kinh tế đều đã tăng trưởng chậm lại nhưng chưa đến mức rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, IMF đã phải hạ dự đoán về tốc độ tăng trưởng toàn cầu do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Các nền kinh tế đang phát triển (đặc biệt là các nước ở Châu Á) có khả năng chịu đựng rất tốt. Tuy nhiên, những tác động không đáng mong đợi từ cuộc suy thoái kéo dài của Mỹ ảnh hưởng đến các nước phụ thuộc vào xuất khẩu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

(Tài liệu tham khảo: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 39-53; vneconomy; the balance)

Tường Vy