Hợp đồng kì hạn tiền gửi (Forward - Forward Deposit- FFD) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Alamy)
Hợp đồng kì hạn tiền gửi (Forward-Forward Deposit - FFD)
Hợp đồng kì hạn tiền gửi - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Forward-Forward Deposit, được viết tắt là FFD.
Hợp đồng kì hạn tiền gửi là sự thỏa thuận giữa ngân hàng và bên đối tác tại thời điểm hôm nay, theo đó, ngân hàng cam kết nhận và bên đối tác cam kết gửi một số tiền nhất định, với một mức lãi suất nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai.
Đặc trưng kinh doanh của ngân hàng là huy động tiền gửi có thời hạn ngắn để tài trợ cho các khoản vay có thời hạn dài hơn. Nếu các khoản cho vay có lãi suất cố định, trong khi đó, theo dự báo của ngân hàng thì lãi suất thị trường lại có xu hướng tăng trong tương lai. Tình huống này đặt ngân hàng đứng trước rủi ro lãi suất.
Để tránh rủi ro lãi suất, ngân hàng có thể tiến hành kí một hợp đồng kì hạn tiền gửi (Forward - Forward Deposit - FFD) với một đối tác khác. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Ví dụ về hợp đồng kì hạn tiền gửi
- Hôm nay, ngân hàng kí một hợp đồng tín dụng với khách hàng có mức lãi suất cố định, thời hạn từ t₀ đến t₂.
- Hiện tại, ngân hàng chỉ huy động được nguồn vốn có thời hạn từ t₀ đến t₁ (trong đó: t₀ < t₁ < t₂).
Để phòng ngừa rủi ro do lãi suất có thể tăng lên tại thời điểm t₁ (ngân hàng phải huy động vốn để tài trợ tiếp cho khoản tín dụng trong khoảng thời gian còn lại từ t₁ đến t₂). Ngay ngày hôm nay, ngân hàng kí một hợp đồng kì hạn với một đối tác, rằng: Tại thời điểm t₁ ngân hàng cam kết sẽ nhận và phía đối tác cam kết sẽ gửi một lượng tiền nhất định, với mức lãi suất cố định không thay đổi, thời hạn từ t₁ đến t₂.
Với hợp đồng kì hạn tiền gửi này, ngân hàng đã hoàn toàn tránh được rủi ro lãi suất, nghĩa là thu nhập của ngân hàng từ chênh lệch lãi suất cho vay và huy động là một số biết trước và chắc chắn, nghĩa là không phụ thuộc vào sự biến động của lãi suất thị trường trong suốt khoảng thời gian từ t₀ đến t₂.
Ngoài ra, với hợp đồng kì hạn tiền gửi này, ngân hàng cũng đồng thời tránh được rủi ro thanh khoản.
Để có cái nhìn trực quan về bản chất nghiệp vụ và giải thích thuật ngữ "Forward Forward" ta dùng sơ đồ sau đây:
Hình minh họa
Giải thích thuật ngữ:
a) Spot - Forward Deposit: Ta hình dung một hợp đồng tiền gửi thông thường là một giao dịch hoán đổi (Swap), bao gồm hai vế:
- Vế giao ngay (Spot): Tại ngày hôm nay (t₀), kí hợp đồng tiền gửi, ngân hàng nhận tiền từ khách hàng, đồng thời ngân hàng trao cho khách hàng chứng chỉ tiền gửi.
- Vế kì hạn (Forward): Tại thời điểm hợp đồng đến hạn (t₁) ngân hàng nhận lại chứng chỉ tiền gửi từ khách hàng, đồng thời hoàn lại tiền gửi (gốc và lãi) cho khách hàng.
Như vậy, một giao dịch tiền gửi thông thường là một giao dịch hoán đổi, gồm hai vế là Spot và Forward, nên có thể gọi là "Spot - Forward Deposit".
b) Forward - Forward Deposit: Đây cũng là hợp đồng tiền gửi được kí kết tại ngày hôm nay (t₀), và cũng có bản chất là một giao dịch hoán đổi (Swap), nhưng cả hai vế đều là kì hạn (Forward 1 và Forward 2); trong đó:
- Vế Forward 1: Tại thời điểm (t₁) ngân hàng nhận tiền từ khách hàng, đồng thời ngân hàng trao cho khách hàng chứng chỉ tiền gửi.
- Vế Forward 2: Tại thời điểm hợp đồng đến hạn (t₂) ngân hàng nhận lại chứng chỉ tiền gửi từ khách hàng, đồng thời hoàn lại tiền gửi (gốc và lãi) cho khách hàng.
Như vậy, một giao dịch tiền gửi như trên có bản chất là một giao dịch hoán đổi, trong đó cả hai vế đều là Forward, nên nó có tên gọi là "Forward - Forward Deposit". (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)