Mô hình thời lượng (The Duration Model) là gì?
Hình minh họa
Mô hình thời lượng (The Duration Model)
Mô hình thời lượng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ The Duration Model.
Mô hình thời lượng mà mô hình đề cập đến yếu tố thời lượng của tất cả các luồng tiền cũng như kì hạn đến hạn của tài sản nợ và tài sản có. So với mô hình định giá lại và mô hình kì hạn, mô hình thời lượng hoàn hảo hơn nhiều trong việc đo mức độ nhạy cảm của tài sản có và tài sản nợ đối với lãi suất.
Mô hình thời lượng và phòng ngừa rủi ro lãi suất
Đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng, thì việc sử dụng mô hình thời lượng để quản trị rủi ro lãi suất là một giải pháp thích hợp. Một chứ năng quan trọng của mô hình thời lượng là cho phép các ngân hàng phòng ngừa được rủi ro lãi suất đối với toàn bộ hay một bộ phận riêng lẻ của bảng cân đối tài sản. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Khả năng áp dụng mô hình thời lượng vào hoạt động ngân hàng và những hạn chế
Những nhà phê bình mô hình thời lượng thường phàn nàn rằng rất khó áp dụng mô hình này vào thực tiễn hoạt động kinh doanh ngân hàng. Mặc dù vậy, chúng ta sẽ được chứng kiến việc áp dụng mô hình thời lượng vào việc phòng ngừa rủi ro lãi suất là rất hiệu quả trong hầu hết các trường hợp của thực tiễn hoạt động ngân hàng.
Một bằng chứng cho thấy, ở một số nước như Mỹ, Úc... đã và đang bắt đầu sử dụng mô hình này vào việc giám sát và quản lí rủi ro lãi suất đối với ngân hàng.
Sau đây là những hạn chế của mô hình thời lượng và giải pháp mà nhà quản trị ngân hàng hiện đại sử dụng để xử lí những khiếm khuyết của mô hình này trong thực tiễn.
Cân xứng thời lượng hai vế bản cân đối tài sản rất tốn kém
Những nhà phê bình thường lập luận rằng, về mặt nguyên tắc, nhà quản trị có thể thay đổi thời lượng tài sản có và thời lượng của toàn bộ vốn huy động để phòng ngừa rủi ro lãi suất được tốt hơn, nhưng việc cơ cấu lại bảng cân đối tài sản bao gồm một danh mục tài sản lớn và phức tạp có thể tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc.
Lập luận này chỉ đúng trong quá khứ. Ngày nay, với việc mở rộng các nghiệp vụ trên thị trường như mua bán vốn, chứng khoán hóa tài sản và thị trường mua bán lại nợ đã làm đơn giản, tăng được tốc độ và làm giảm được chi phí giao dịch rất nhiều trong việc cơ cấu lại bảng cân đối tài sản.
Hơn nữa, trong thực tế, nhà quản trị ngân hàng có thể sử dụng mô hình này thông qua các giao dịch như Forwards, Futures, Options và Swaps mà không nhất thiết phải cơ cấu lại bảng cân đối tài sản.
Vấn đề biến động của mô hình thời lượng
Thứ nhất, khi xây dựng mô hình thời lượng, ta đã giả thiết rằng lãi suất thị trường thay đổi ngay lập tức sau khi mua trái phiếu. Trong thực tế, không phải lúc nào cũng như vậy, mà lãi suất thị trường có thể thay đổi vào bất cứ lúc nào trong suốt thời hạn của trái phiếu.
Thứ hai, thời lượng của trái phiếu thay đổi theo thời gian, nghĩa là càng đến gần ngày đến hạn thì thời hạn của trái phiếu càng giảm.
Vấn đề lãi suất thay đổi lớn và tính lồi của mô hình
Mô hình thời lượng là phép đo chính xác sự thay đổi thị giá của chứng khoán có thu nhập cố định khi lãi suất thị trường thay đổi ở mức nhỏ. Nếu lãi suất thay đổi ở mức lớn hơn, thì mô hình thời lượng trở nên kém tin cậy, nó không dự đoán được sự thay đổi thị giá của chứng khoán một cách chính xác. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)