Mô hình định giá lại (The Repricing Model) là gì? Hạn chế của mô hình này
Hình minh họa
Mô hình định giá lại (The Repricing Model)
Mô hình định giá lại - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ The Repricing Model.
Mô hình định giá lại là mô hình phân tích các lượng tiền dựa trên nguyên tắc giá trị ghi sổ nhằm xác định chêch lệch giữa lãi suất thu được từ tài sản có và lãi suất thanh toán cho vốn huy động sau một thời gian nhất định.
Hiện nay, mô hình định giá lại đang được áp dụng ở Mỹ. Quĩ dự trữ Liên bang Mỹ yêu cầu các ngân hàng Mỹ phải báo cáo định kì hàng quí chênh lệch giữa tài sản có và tài sản nợ theo các kì hạn sau:
1. Kì hạn đến 1 ngày.
2. Trên 1 ngày đến 3 tháng.
3. Trên 3 tháng đến 6 tháng.
4. Trên 6 tháng đến 1 năm.
5. Trên 1 năm đến 5 năm.
6. Trên 5 năm.
Hiện nay hầu hết các ngân hàng trung ương các nước không yêu cầu các ngân hàng thương mại phải báo cáo như các ngân hàng Mỹ, song ở từng ngân hàng thương mại thì việc lập báo cáo như thế này để quản trị rủi ro lãi suất vẫn thường làm.
Các ngân hàng tính số chênh lệch giữa tài sản có và tài sản nợ đối với từng kì hạn và đặt chúng trong mối quan hệ với độ nhạy cảm của lãi suất thị trường. Độ nhạy cảm của lãi suất trong trường hợp này chính là khoảng thời gian mà tài sản có và tài sản nợ được định giá lại.
Điều đó có nghĩa là, nhà quản trị ngân hàng còn phải chờ lao lâu nữa để áp mức lãi suất mới vào từng kì hạn khác nhau. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB thống kê)
Những hạn chế của mô hình định giá lại
Hiệu ứng của thị giá tài sản
Sự thay đổi của lãi suất ngoài ảnh hưởng lên thu nhập lãi suất còn ảnh hưởng đến giá trị thị trường của tài sản có và tài sản nợ. Mô hình định giá lại chỉ đề cập đến giá trị ghi sổ của tài sản mà không đề cập đến giá trị thị trường của chúng. Do đó, mô hình định giá lại chỉ phản ánh được một phần rủi ro lãi suất đối với ngân hàng.
Vấn đề kì định giá tích lũy
Vấn đề phân nhóm tài sản theo một khung kì hạn nhất định đã phản ánh sai lệch thông tin về cơ cấu các tài sản có và tài sản nợ trong cùng một nhóm. Ví dụ, giá trị tài sản có và tài sản nợ trong cùng một nhóm có cùng một kì hạn đến hạn có thể là bằng nhau, nhưng tài sản nợ có thể được định giá lại tại thời điểm cuối của kì định giá và trong lúc đó tài sản có lại được định giá lại tại thời điểm đầu của kì định giá lại.
Rõ ràng là kì định giá càng mau thì những hạn chế của kì định giá tích lũy càng nhỏ. Nếu kì định giá được tính toán hàng ngày thì sẽ cho ta một bức tranh trung thực về sự thay đổi thu nhập lãi suất ròng.
Hiện nay, các ngân hàng lớn được nối mạng nội bộ online đã cho phép ngân hàng định giá tài sản tại bất cứ thời điểm nào. Xét từ góc độ này, mô hình định giá lại trở nên có ý nghĩa hơn trong thực tế.
Vấn đề tài sản đến hạn
Giả thiết rằng toàn bộ tín dụng tiêu dùng ngắn hạn đều đến hạn trong vòng 1 năm hoặc là toàn bộ khoản tín dụng dài hạn có thế chấp với lãi suất cố định được hoàn trả sau 10 năm.
Trong thực tế thì ngân hàng thường xuyên cho vay mới và thu hồi nợ cũ đối với tín dụng tiêu dùng ngắn hạn và ngay cả đối với tín dụng dài hạn có thế chấp, giống như ngân hàng luôn huy động vốn mới và thanh toán những khoản vốn huy động đã đến hạn.
Trong thực tế, những khoản tín dụng dài hạn có thế chấp thường được trả góp định kì hàng tháng (hoặc hàng quí). Do đó, ngân hàng có thể tái đầu tư những khoản tiền thu được trong năm với lãi suất thị trường hiện hành, nghĩa là các khoản tiền thu được trong năm thuộc loại tài sản có nhạy cảm với lãi suất.
Nhà quản trị ngân hàng có thể dễ dàng xử lí trường hợp trả góp trong mô hình định giá lại bằng cách xác định tỉ lệ sẽ thu hồi vốn trong năm của từng tài sản thuộc loại này. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB thống kê)