Hệ số giá/doanh thu (Price-To-Sales Ratio - P/S) là gì?
Hình minh họa
Hệ số giá/doanh thu (Price-To-Sales Ratio - P/S)
Định nghĩa
Hệ số giá/doanh thu trong tiếng Anh là Price-To-Sales Ratio, kí hiệu: P/S.
Hệ số giá/doanh thu là hệ số được tính toán bằng cách lấy giá trị thị trường của cố phiếu chia cho doanh thu của cổ phiếu.
Công thức xác định:
P/S = Giá trị thị trường/Doanh thu của cổ phiếu
Ý nghĩa
- Hệ số P/S cho thấy thị trường định giá bao nhiêu mỗi đô la doanh số của công ty. Hệ số này phát huy hiệu quả trong việc định giá các cổ phiếu tăng trưởng chưa mang lại lợi nhuận hoặc phải chịu một thất bại tạm thời.
- Hệ số P/S dựa trên doanh thu và nhằm xác định xem doanh thu được đánh giá cao như thế nào. Hệ số này càng cao thì giá trị được đánh giá từ doanh thu càng lớn.
- Đối với phương pháp này, các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng doanh thu mạnh và ổn định là yêu cầu đối với một công ty tăng trưởng. Ngoài ra, so với tất cả số liệu trên các báo cáo tài chính, thông tin về doanh số ít bị tác động bởi các thủ thuật trong công tác kế toán.
- Trong các giai đoạn mà doanh nghiệp ở thời kì bão hòa, thời kì biến động mạnh hoặc trường hợp mà thu nhập của công ty bằng 0 thì tỉ số này được sử dụng thay thế cho các tỉ số nêu trên một cách phù hợp.
- Tuy nhiên, thường thì tỉ số này rất ít được sử dụng, nó thường dùng để so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành nhiều hơn và chính xác hơn là dùng để định giá một doanh nghiệp riêng lẻ.
Ưu điểm và hạn chế của hệ số P/S
Ưu điểm
- Phương pháp này tính toán đơn giản, dễ thao tác và thực hiện.
- Doanh số là một số dương ngay cả khi EPS âm.
- Doanh số thường ổn định hơn EPS, do vậy P/S sẽ là một chỉ số tốt khi EPS quá biến động.
- Áp dụng phương pháp này, nhà đầu tư dễ dàng tìm số liệu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, vì thế, phương pháp này đặc biệt thích hợp với nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán, những người gặp khó khăn trong việc tiếp xúc đầy đủ với tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Hạn chế
- Phương pháp sử dụng hệ số P/S trong định giá quá đơn giản, nó không xét đến yếu tố tiềm năng, các yếu tố về tốc độ tăng trưởng, khả năng phát triển và rủi ro của doanh nghiệp nên giá trị doanh nghiệp nên giá trị doanh nghiệp tính toán không phản ánh sự khác nhau về cấu trúc chi phí giữa các công ty và doanh thu là một đại lượng phụ thuộc vào sổ sách nên dễ bị bóp méo theo phương pháp ghi nhận doanh thu và chi phí, vì thế, trong định giá doanh nghiệp rất ít dùng chỉ số này.
- Một công ty có thể tạo ra doanh thu và có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhưng không có được lợi nhuận, hay có thể có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Phân tích đầu tư chứng khoán, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; How to Use Price-To-Sales Ratios to Value Stocks, Investopedia)